Tuyển 2.100 lao động: Nhà thầu chịu áp lực từ...Trung Quốc?

"Trợ cấp tài chính của chính phủ Trung Quốc lệ thuộc vào số lượng nhân công được đưa ra nước ngoài lao động".

Tuyển dụng lao động TQ vì nhà thầu thi công chịu áp lực từ cơ chế vốn đầu tư
Tuyển dụng lao động TQ vì nhà thầu thi công chịu áp lực từ cơ chế vốn đầu tư

Trung Quốc hỗ trợ tiền theo số công nhân xuất ngoại

Đó là nhận định của Tiến sĩ Trần Đại Phúc - chuyên gia cao cấp điện hạt nhân, giờ đây đang là chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 10/7, ông Phúc cho hay: "Về vấn đề nhà máy nhiệt điện tôi cũng không tham gia nhiều, nhưng qua thời gian nghiên cứu tôi được biết ở Trung Quốc nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty Trung Quốc nào thắng thầu và đưa được nhiều công nhân TQ ra nước ngoài để thi công".

Theo phân tích của ông Phúc thì các công ty sẽ nhờ số tiền hỗ trợ tài chính của chính phủ Trung Quốc để thực hiện các dự án, mà số tiền được đầu tư lại lệ thuộc vào số lượng nhân công được đưa ra nước ngoài thi công.

Thông tin chính thức từ Chủ đầu tư EVN, dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 do Liên danh Nhà thầu CHENGDA – DEC - SWEPDI – ZEPC làm tổng thầu EPC, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 3 cùng Tư vấn phụ nước ngoài là tư vấn giám sát thi công (bao gồm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công).

Trong đó có nhà thầu của TQ, thậm chí tổng mức đầu tư dự án là gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu EPC là hơn 22 nghìn tỷ đồng gồm 85% vốn vay của Tổ hợp các ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) – Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), 15% giá trị còn lại là vốn đối ứng của EVN.

Chính vì vậy, ông Phúc nhấn mạnh: "Do đó các công ty Trung Quốc rất dễ thắng thầu trên các thị trường Châu Á, châu Phi".

Nhìn nhận vào sự việc thực tế Công ty China Chengda Engineering vừa tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc làm việc tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, tỉnh Trà Vinh, mà cho rằng là tuyển lao động kỹ thuật cao và chuyên gia, ông Phúc khẳng định trong số 2100 công nhân thì có chừng 10% chuyên gia, còn phần đông là các công nhân phổ thông.

Đặc biệt, ông còn chỉ rõ: "Những công nhân này phải được quản lý một cách chặt chẽ với một văn hóa bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của các công ty Trung Quốc".

GS Cao Chi cũng đồng tình với quan điểm và những lo ngại của TS Trần Đại Phúc, ông cho hay: "Nên chọn lao động VN hơn vì như vậy mình vừa an toàn về mặt chính trị, lại đạt mục đích đào tạo cho lao động VN nâng cao tay nghề, cũng như kinh nghiệm xây dựng nhà máy nhiệt điện".

Sao phải tuyển lao động Trung Quốc?

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng nhìn nhận ở một góc độ khác: "Trong khi công nhân VN có thể đáp ứng mà lại tuyển lao động Trung Quốc là bất hợp lý. Chẳng qua công ty Shenda viện cớ là công nhân VN không đáp ứng tiêu chuẩn, và vì lý do trợ cấp tài chính của chính phủ Trung Quốc lệ thuộc vào số lượng nhân công được đưa ra nước ngoài thi công".

Theo quan điểm của ông Phúc thì vì do luật lệ VN nhiều kẽ hở, nên mới xảy ra tình trạng như ở Trà Vinh.

Trừ khi chúng ta có thể giám sát chặt chẽ, ông phân tích: "Lúc Trung Quốc mua hai nhà máy điện hạt nhân của Pháp trong thập niên 80 trong quá trình xây dựng, phần lớn là các công nhân phổ thông TQ, nhưng với sự kiểm soát chặt chẽ của các chuyên gia Pháp, tôi cũng trực tiếp tham gia. Điều hành thi công được ghi chốt chặt chẽ trong hồ sơ bao đấu thầu. Nếu làm được như vậy thì hãy tuyển lao động nước ngoài".

GS Cao Chi cũng nhìn nhận theo góc độ, nếu như đầu tư của VN thì tội gì phải tuyển lao động Trung Quốc bởi lao động nhiệt điện của chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm khi xây dựng vì đã có biết bao nhà máy được chúng ta đưa vào hoạt động mà đâu có cần lao động Trung Quốc?

Theo GS Cao Chi thì những công nhân đưa vào các nhà máy nhiệt điện lao động đều phải được đào tạo trong 1 thời gian nhất định mới được vào làm việc.

Ông đặt ra câu hỏi: "Sao không coi đây như là một môi trường để có thể huấn luyện, đào tạo lao động của chúng ta sẽ tốt rất nhiều về nhiều mặt, công nhân lao động được nâng cao tay nghề, nâng cao kiến thức, tạo nền tảng cho sự phát triển đội ngũ sau này".

Trước đó, ông Trần Trí Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh gay gắt phản đối việc làm này: "Chúng tôi cũng đang phải kiểm tra lại công nhân kỹ thuật cao mà bên phía Sở đưa ra là sao. Kỹ thuật cao là cái gì, theo tôi hiểu thì làm gì có phải cao hay không, nói là cao nhưng có cao thật không".

Chính vì vậy, ông Dũng đưa ra quan điểm: "Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với việc tuyển dụng như này. Đáng lẽ đầu tiên phải ưu tiên lao động Trà Vinh trước, Trà Vinh không có thì tìm lao động trên cả nước, cả nước không có thì mới chấp nhận lao động nước ngoài".
 
Tuyển dụng lao động TQ: Vì phụ thuộc nguồn vốn

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho hay: "Chuyện tuyển dụng hơn 2000 lao động là người TQ, tôi chắc chắn liên quan đến người đứng ra tuyển dụng đằng sau và chủ đầu tư – đơn vị đầu tư nhiều về nguồn vốn, công ty cung cấp thiết bị, chắc hẳn sẽ là người TQ".

Chính vì vậy, nếu nói công nhân, lao động trong nước không đáp ứng được là không đúng, bởi theo ông Long, thông thường, số lao động trong nước có nhiều công trình khó vẫn đáp ứng được, chủ yếu là ai đứng ra tuyển, tiêu chí ra sao?




Theo Thanh Huyền/Báo Đất Việt