1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tùy tiện đuổi người

Nhiều doanh nghiệp tùy tiện cho người lao động nghỉ việc rồi phủi trách nhiệm, không giải quyết hậu quả do mình gây ra

“Do bị sa thải trái luật nên chúng tôi kiện công ty ra tòa. Tại tòa, công ty chấp nhận bồi thường nhưng nhiều tháng qua, chúng tôi vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường dù tòa đã có phán quyết”. Đây là phản ánh của anh Nguyễn Hoàng Châu, Công ty CP Thép Pomina, thị xã Dĩ An -  Bình Dương, trong lá đơn nhờ Báo Người Lao Động can thiệp mới đây.
 
Cố tình dây dưa
 
Ngày 15/9/2011, anh Nguyễn Hoàng Châu cùng 5 công nhân (CN) khác được phân công làm đêm tại bộ phận phôi thép. Sau khi chuẩn bị đủ phôi thép cho sản xuất, cả 6 CN cùng đi nghỉ để chờ triển khai công việc tiếp theo. Đến sáng hôm sau, bảo vệ công ty cho biết khu vực làm việc của 6 người bị mất trộm. Việc mất trộm không được lập thành biên bản, không có chữ ký của người lao động mà chỉ có bản báo cáo từ phía lực lượng bảo vệ. Sau đó, công ty yêu cầu 6 CN viết bản tường trình, tiếp đến là cho nghỉ việc 1 tuần và sau đó ban hành quyết định sa thải.
 
Anh Nguyễn Hoàng Châu (bìa phải) trình bày bức xúc tại Báo Người Lao Động
Anh Nguyễn Hoàng Châu (bìa phải) trình bày bức xúc tại Báo Người Lao Động
 
Vì bị kỷ luật oan, anh Châu và 5 CN đã kiện công ty ra TAND thị xã Dĩ An. Qua rất nhiều phiên hòa giải, Công ty CP Thép Pomina chấp nhận bồi thường. Ngày 28-9-2012, TAND thị xã Dĩ An ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, anh Châu và 5 CN được công ty bồi thường tổng cộng 180 triệu đồng, trong đó mỗi người từ 20 - 35 triệu đồng (gồm tiền lương những ngày không làm việc, bồi thường 2 tháng tiền lương, bồi thường khoản tiền không báo trước). Thế nhưng đến nay, Công ty CP Thép Pomina vẫn chưa thi hành xong quyết định của TAND thị xã Dĩ An.
 
Trả lời chúng tôi ngày 19/2, ông Nguyễn Thanh Tùng, chấp hành viên Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã Dĩ An, cho biết đến nay, công ty mới bồi thường cho 6 CN 120 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu công ty thi hành đúng quyết định của tòa” - ông Tùng khẳng định.
 
Hứa mà không làm
 
Chỉ vì đại diện CN ký đơn kiến nghị tăng lương mà anh Trần Thanh Quang  bị Công ty Tường Vi, quận 2 - TPHCM xử lý kỷ luật, cho nghỉ việc. Anh Quang đã cầu cứu đến  LĐLĐ quận 2. Sau khi có sự can thiệp của LĐLĐ quận 2, đại diện công ty thừa nhận sai phạm và chấp nhận bồi thường cho anh Quang hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay đã hơn 6 tháng, anh Quang vẫn chưa được giải quyết quyền lợi. Bà Nguyễn Thị Đào, giám đốc công ty, nói do khó khăn về tài chính nên chưa bồi thường cho anh Quang được(?!).
 
Việc tùy tiện xử lý kỷ luật những CN đòi giải quyết quyền lợi  như trường hợp anh Quang đang xảy ra ở không ít doanh nghiệp (DN). Vì đã “rút ván” nên các DN cũng sẵn sàng “quên” giải quyết quyền lợi từ quyết định sai của mình. Mới đây nhất là trường hợp của một số CN Công ty Thu Trang (huyện Ea Súp - Đắk Lắk). Do bữa ăn giữa ca không bảo đảm chất lượng, CN kiến nghị công ty điều chỉnh. Thay vì xem xét điều chỉnh cho phù hợp, công ty đã tiến hành xử lý kỷ luật những CN kiến nghị. Sau khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, công ty thỏa thuận bồi thường cho mỗi người từ 10 triệu đến 15 triệu đồng nhưng sau đó không thực hiện. “Việc kiện tụng, khiếu nại là chẳng đặng đừng nhưng chúng tôi không chấp nhận việc hành xử sai rồi lại quỵt quyền lợi của người lao động như vậy” - anh Nguyễn Anh Tuấn, người đại diện nhóm CN trên, bức xúc nói như vậy khi tiếp tục gửi đơn đến Báo Người Lao Động.
 
Luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Minh Mẫn, cho rằng việc các DN vi phạm sẽ bị pháp luật chế tài. Điều cần nói ở đây là khi DN hành xử sai, bị buộc phải giải quyết hậu quả thì cần nhanh chóng khắc phục chứ không nên né tránh trách nhiệm. Hành vi này không thể chấp nhận.
Theo Trường Hoàng
NLĐ