Tulsi Tanti, người biến gió thành tiền

Trong muôn vàn những nẻo đường đi tới thành công trên thương trường, có lẽ con đường mà Tulsi Tanti lựa chọn là rất độc đáo: Biến những cơn gió tự nhiên thành nguồn năng lượng hữu ích, vừa phục vụ đời sống, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Đóng vai trò là người khởi xướng, ông cũng là người giành được thành công lớn nhất trong ngành công nghiệp năng lượng điện gió tại Ấn Độ. Danh tiếng của Tulsi Tanti không chỉ được biết tới trong bản danh sách những tỷ phú của thế giới với khối tài sản cá nhân 10 tỷ USD mà ông còn được người dân tôn vinh là “Anh hùng trong chiến lược bảo vệ môi trường sống”.

 

Được thành lập năm 1995 bởi ý tưởng chuyển sức gió thành nguồn điện thay thế phục vụ sản xuất của Tulsi Tanti từ khi ông vẫn còn quản lí doanh nghiệp dệt Suzlon tại Surat, Suzlon Energy Ltd bước vào khai thác một lĩnh vực kinh doanh điện gió hầu như chưa có ai đặt chân tới.

 

Dưới bàn tay chèo lái của Tulsi Tanti, các sản phẩm của Suzlon Energy Ltd lần lượt chiếm lĩnh thị trường nội địa rồi tiến sang thị trường nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực từ Australia, Trung Quốc, New Zealand, Hà Lan cho tới Đức và Mỹ.

 

Tới năm 2006, sau hơn 1 thập kỷ hoạt động, Suzlon Energy Ltd đã vươn lên vị trí là nhà sản xuất turbin gió lớn nhất châu Á và lớn thứ 5 thế giới với tổng thu nhập 868 triệu USD với nguồn nhân lực lên tới 13.000 người.

 

Ý tưởng độc đáo là bí quyết thành công

 

Ngay từ những ngày còn đi học, Tulsi Tanti đã nuôi ý nghĩ về một tương lai gắn liền với kinh doanh, dù khi đó cậu chỉ có hai bàn tay trắng. Tốt nghiệp đại học, Tulsi Tanti xin vào làm việc tại Cty dệt may Suzlon ở Surat. Không lâu sau đó, Tulsi Tanti được bổ nhiệm vào vị trí quản đốc, rồi cuối cùng là người đứng đầu của Suzlon.

 

Trên cương vị mới, bên cạnh không ít những khó khăn phải giải quyết, Tulsi Tanti còn phải đối mặt với khó khăn về nguồn năng lượng điện phục vụ sản xuất do thời điểm đó, chính phủ áp dụng chính sách tăng giá điện. Bằng tầm nhìn xa trông rộng của mình, Tulsi Tanti nghĩ ngay tới nguồn năng lượng thay thế là điện gió vừa rẻ vừa rất ổn định.

 

Mặc dù phải bỏ ra một khoản tài chính lớn, Tulsi Tanti vẫn quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy nhỏ tự sản xuất điện năng chỉ vỏn vẹn hai turbin chạy bằng sức gió. Đúng như những tính toán của Tulsi Tanti, nguồn năng lượng cần thiết phục vụ sản xuất dệt đã được cung cấp đầy đủ, Suzlon vừa giảm được một khoản chi phí lớn cho điện năng vừa nắm được thế chủ động trong sản xuất.

 

Biến gió thành tiền

 

Ý tưởng kinh doanh những cơn gió và chuỗi những thành công lớn của Tulsi Tanti từng được không ít người xem như một câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi, làm thế nào để một người xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khó lại có thể vươn lên đỉnh cao của sự nghiệp. Có thể khẳng định rằng, khởi nguồn cho những thành công của Tulsi Tanti chính là khả năng phát hiện cơ hội kinh doanh và đưa ra được ý tưởng độc đáo nhưng cũng không kém phần mạo hiểm. Đó là cách xác định thời điểm.

 

Sau khi vấn đề khó khăn về nguồn điện của doanh nghiệp dệt đã được giải quyết triệt để bằng nguồn năng lượng thay thế, Tulsi Tanti lập tức hướng tầm mắt sang thị trường kinh doanh năng lượng trong nước. Sau nhiều ngày trăn trở, năm 1995, Tulsi Tanti đưa ra quyết định táo bạo là thành lập nên công ty điện gió Suzlon Energy. Tới năm 2001, Tulsi Tanti từ bỏ hẳn lĩnh vực dệt để tập trung vào kinh doanh điện gió.

 

Khi có tên trên sàn giao dịch chứng khoán của Bombay Stock Exchange, Suzlon là một trong số ít doanh nghiệp được xếp vào danh sách những đơn vị có nguồn vốn hơn 4,0 tỷ USD. Chỉ sau ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của Suzlon đã tăng lên tới mức kỷ lục là 60%. Nắm giữ 70% nguồn vốn của doanh nghiệp, ngay từ giữa thập niên 90, Tulsi Tanti đã trở thành một trong những số ít triệu phú tiền đô của Ấn Độ.

 

Dựa trên tốc độ tăng trưởng nhanh của Suzlon, Tulsi Tanti tập trung xây dựng chiến lược chiếm lĩnh thị trường nội địa để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi tiến sang thị trường quốc tế.

 

Với tầm hoạt động ngày một rộng, để đảm bảo quản lí hiệu quả, Tulsi Tanti nâng Suzlon thành quy mô tập đoàn và thiết lập các chi nhánh trọng điểm. Ngoài khả năng kinh doanh độc lập, Tulsi Tanti còn có biệt tài tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là những nhà quản lí.

 

Năm 1999, Suzlon đã cho ra đời sản phẩm turbin máy điện gió đầu tiên cùng những dịch vụ khách hàng hoàn hảo từ trùng tu, bảo dưỡng, sửa chữa cho tới thay thế trang thiết bị phụ trợ... Đây là những nền tảng vững chắc đảm bảo thành công cho chiến lược vươn ra thị trường toàn cầu của Suzlon.

 

Được mệnh danh là một “Anh hùng” hay “Chiến binh” của Ấn Độ, bên cạnh những chiến lược kinh doanh tầm cỡ, Tulsi Tanti còn là một trong những người đi đầu trong bảo vệ môi trường sống. Nỗ lực phát triển những “cánh đồng gió” và các loại thiết bị sản xuất điện gió của ông không chỉ giúp phát triển thêm nguồn điện năng thay thế, mà còn giúp xã hội hạn chế được các nguồn ô nhiễm như khí thải, âm thanh và khói bụi.

 

Với những đóng góp to lớn đó, Tulsi Tanti từng được trao tặng không ít những giải thưởng lớn về cả tài năng kinh doanh lẫn bảo vệ môi trường.

 

Theo Mạnh Tuấn

VnEconomy