Từ câu chuyện “văn hóa tử tế” của Amazon
Sự tử tế liệu có thực sự tồn tại trong thế giới kinh doanh?
Hầu hết trẻ con đều thích được khen. Không điều gì làm bọn trẻ thích bằng cách khen chúng thông minh. Cậu bé Jeff Bezos thuở nhỏ cũng vậy.
Trong một lần đi du lịch cùng ông bà trên chiếc RV, cậu nhìn thấy trên đường cao tốc đầy những bảng quảng cáo chống hút thuốc lá với nội dung “Mỗi điếu thuốc lá lãng phí 2 phút cuộc đời”.
Muốn gây ấn tượng với ông bà, cậu đã nhanh nhảu tính toán số thuốc bà cậu đã hút và “phấn khởi” thông báo rằng bà đã lãng phí 9 năm cuộc đời. Bà của Jeff đã thật sự bị sốc, và bật khóc.
Sau đó, cậu nhận được một lời khuyên từ ông: “Jeff à, làm người tử tế khó hơn người thông minh nhiều lắm”.
Câu chuyện này đại diện cho vấn đề mà nhiều người trong chúng ta phải đối diện hàng ngày: Liệu chúng ta có thường xuyên chọn trở thành một người tử tế - ở nhà và ở công sở? Khi phải lựa chọn, chúng ta liệu “đạp” lên đồng nghiệp để tiến thân? Có tận dụng cơ hội hạ bệ đối thủ để giành lợi thế? Có kèn cựa với nhà hàng xóm vì những xích mích cỏn con?
Ngày nay tại Amazon, Jeff Bezos đang nỗ lực xây dựng một nền văn hóa “Thân thiện và đầy nhiệt huyết”. Thân thiện là thái độ ưu tiên, nhưng mỗi nhân viên sẽ luôn đầy nhiệt huyết trước những khó khăn, thử thách. Nhiệt huyết cũng thể hiện sự gắn bó và đam mê của nhân viên với công việc.
Mục tiêu của triết lý này là xây dựng môi trường làm việc vui vẻ, ấm áp, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển tối đa.
Một quản lý cấp cao của Amazon từng chia sẻ trên trang Quora như sau: “Chúng tôi đối xử công bằng với từng nhân viên và mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng quan trọng đến sản phẩm cuối cùng. Khi bạn đến làm tại Amazon, bạn chắc chắn sẽ làm được những điều tuyệt vời với sự hỗ trợ nhiệt tình từ bất cứ đồng nghiệp nào”.
Có vẻ như lời dạy của người ông năm xưa đã có tác động rất lớn đến tư tưởng của Jeff Bezos.
Bài học về sự tử tế thuở nhỏ đã ăn sâu và biến thành triết lý sống của ông chủ Amazon
Xây dựng nền văn hóa tử tế thật sự rất khó khăn, đặc biệt là dưới áp lực ngày càng lớn của cạnh tranh trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, không vì vậy mà nền văn hóa tử tế bị đè bẹp. Amazon vẫn là một công ty có lợi nhuận ấn tượng: 89 tỷ đô la năm 2014, là website đứng thứ 6 về lượt truy cập trên toàn thế giới, lọt top Fortune 35 của Mỹ. Thành tích rất đáng nể cho một công ty mới có 20 tuổi đời.Vừa tử tế vừa có thể thành công. Nhưng sao vẫn có quá ít công ty chọn cho mình con đường này! Bởi vì văn hóa công ty luôn bị đặt sau sản phẩm, dịch vụ và lợi nhuận, rồi họ dần dần bị kéo theo những mục tiêu tạm bợ, áp dụng những chiến lược chắp vá để tồn tại thoi thóp trên thị trường. Trong khi, một môi trường lành mạnh, hạnh phúc mới chính là sức sống của một tổ chức.
Sau đây là 3 bí quyết giúp các công ty bắt tay xây dựng một nền văn hóa tử tế.
1. Đóng góp cho cộng đồng
Mỗi công ty nên tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các hoạt động xã hội. Thông qua các sự kiện tình nguyện, tinh thần đồng đội sẽ được thắt chặt. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp xã hội hoạt động theo mô hình 1 tặng 1: cứ mỗi sản phẩm bán ra sẽ có một sản phẩm đóng góp cho cộng đồng (chẳng hạn như giày TOMS).
Không chỉ hỗ trợ cộng đồng bên ngoài, các công ty hàng đầu còn nỗ lực giải quyết các vấn đề của nhân loại từ bên trong, như CEO Marc Benioff của Salesforce cố gắng trả lương công bằng cho nhân viên nữ, loại bỏ các quy định bất hợp lý để tạo đà cho những thay đổi lớn lao hơn. Hay như Tesla, thông qua các nghiên cứu và sản phẩm của mình giúp thay đổi mạnh mẽ ngành ô tô và năng lượng.
“Tiếng lành đồn xa”, “Hữu xạ tự nhiên hương”, các giá trị của công ty sẽ nhanh chóng lan truyền và trở thành những “hạt giống thần kỳ” đưa công ty vươn lên mạnh mẽ.
2. Xây dựng lòng tin và sự tự chủ
Sự tử tế được xây dựng dựa trên lòng tin.Văn hóa tử tế được xây dựng với những nhân viên tử tế - những người được tin yêu. Môi trường làm việc lành mạnh là nơi tất cả mọi người đều thấy mình được đối xử đàng hoàng và trân trọng.
Những nhân viên trẻ luôn muốn có sự tự chủ trong công việc. Đó không hẳn là quyền ra quyết định mà có thể là quyền được sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, được làm mảng công việc thế mạnh.
Mạnh dạn giao việc, giao quyền là bước đầu tiên để xây dựng lòng tin giữa cả hai phía. Lòng tin khi càng mạnh mẽ sẽ trở thành sự hợp nhất về quan điểm, tinh thần và lối sống.
3. Đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận hiểu rõ văn hóa công ty
Lãnh đạo là người hiểu rõ giá trị cốt lõi của công ty và là người thực hành triệt để điều mà mình tin tưởng.
Văn hóa công ty không phát triển dựa trên doanh số mà là con người với những giá trị nhân văn cốt lõi. Vì vậy, cân nhắc cẩn thận trước khi đề bạt ai đó là nhiệm vụ rất quan trọng của CEO.
Lãnh đạo không chỉ thông minh mà còn phải nhân từ. Những tính cách tốt của lãnh đạo sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi nhân viên, và nếu những giá trị này được truyền đạt liên tục giữa các thế hệ lãnh đạo thì công ty mới có cơ hội phát triển bền vững dài lâu.
Theo Doanh nhân Sài gòn/Forbes