Trung Quốc: Phân biệt giới trong lao động ngày càng trầm trọng
Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), dù kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và trình độ giáo dục của phụ nữ đã được cải thiện trong nhiều thập niên qua, tình trạng phân biệt giới trong thị trường việc làm và công sở tại Trung Quốc không có dấu hiệu cải thiện, ngay cả trong những công ty công nghệ vốn được coi là có tư tưởng cởi mở, hiện đại.
Chỉ tuyển nam giới
Một số phụ nữ Trung Quốc trong những năm gần đây đã dám khởi kiện các công ty tuyển dụng về hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong các quảng cáo việc làm của họ nhưng mức bồi thường đối với những kẻ vi phạm là không đáng kể.
Cao Ju, một cô gái mới tốt nghiệp đại học đã kiện trường luyện thi Juren Academy ở Bắc Kinh vì từ chối thuê cô ấy làm trợ lý hành chính với lý do vị trí đó “chỉ dành cho nam giới”.
Tòa án nhân dân quận Hải Điền chỉ đưa vụ kiện ra xét xử sau khi hơn 100 sinh viên đại học ký vào bản kiến nghị. Tuy nhiên, Trường Juren đã giải quyết bằng cách trả cho Cao Ju 30.000 nhân dân tệ (4.800 USD). 3 phụ nữ khác ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu cũng khởi kiện vụ tương tự song chỉ nhận được số tiền đền bù là 2.000 tệ (318 USD).
Erica Shu, sinh viên năm cuối đại học Hồng Kông thì đã sốc khi tới thực tập ở Thượng Hải vì nhận ra chỉ có 1 nhân viên nữ trong 30 người của phòng đầu tư. Nhân viên công ty môi giới đầu tư ở Thượng Hải giải thích rằng phòng đầu tư đã ngừng tuyển dụng nữ giới từ hai năm trước do các ứng viên nữ “kém hiệu quả” trong ngành công nghiệp tài chính.
Ứng viên nữ sẽ bị lọc ra trong quá trình tuyển dụng vì các nhà quản lý tin rằng họ không phù hợp với công việc tốn nhiều thời gian và thường xuyên phải đi công tác.
Quả thật, phân biệt giới trong lực lượng lao động từ lâu đã là một vấn đề làm đau đầu giới chức Trung Quốc. Việc sử dụng hình ảnh những phụ nữ trẻ đẹp để thu hút nhân tài là nam giới hiện được coi là chiến lược tuyển dụng khá phổ biến tại Trung Quốc, ngay cả với những hãng công nghệ nổi tiếng toàn cầu như Alibaba, Tencent.
Theo bà Sophie Richardson, Giám đốc về vấn đề Trung Quốc của HRW, sự phân biệt đối xử chống lại nữ giới đã và đang lan rộng trong lĩnh vực tuyển dụng lao động tại rất nhiều các công ty tư nhân và các công ty quốc doanh của Trung Quốc.
HRW đã phân tích hơn 36.000 quảng cáo việc làm được đăng từ năm 2013 đến 2018 và cho thấy, 19% công việc dịch vụ dân sự ở Trung Quốc được chỉ định là chỉ dành cho nam giới hoặc ưu tiên cho nam giới.
Nữ giới bị thua thiệt
Có tới 87% phụ nữ tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc từng phải đối mặt với sự phân biệt giới khi tìm việc làm. Theo đó, những công việc dành cho lao động nữ đã đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là về ngoại hình. Theo các chuyên gia, dù có cùng trình độ học vấn, chuyên môn, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn cho rằng lao động nữ kém hiệu quả hơn nam giới.
Nhiều người cho rằng phụ nữ luôn kém cỏi hơn đàn ông về thể chất, trí tuệ, tâm lý; cho rằng thiên chức của phụ nữ là chăm sóc gia đình, con cái nên họ không thể toàn tâm phụng sự công việc và rốt cuộc sẽ bỏ việc để chọn gia đình.
Một khảo sát của Zhaopin - Trang web tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc cho thấy 22% phụ nữ nước này bị phân biệt đối xử nghiêm trọng khi tìm việc, trong khi con số này ở nam giới là 14%. Ông Simance Land, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Greater China at Hays cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ trên thị trường việc làm Trung Quốc.
Một trong những vấn để lớn nhất đối với chủ lao động là kỳ nghỉ thai sản tối thiểu 98 ngày ở Trung Quốc. Một vài tỉnh và thành phố có thời gian nghỉ thai sản dài hơn như Bắc Kinh là 128 ngày và tỉnh Hà Nam là 190 ngày. Để tránh điều này, một số công ty chỉ tuyển dụng nam giới hoặc ứng viên nữ đã kết hôn và có con.
Các số liệu thống kê cho thấy, dù đóng góp tới 41% GDP, tỷ lệ nữ giới trong lực lượng lao động tại Trung Quốc hiện đã giảm 2,5% so với cách đây 1 thập kỷ. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh lực lượng lao động Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt do già hóa dân số.
Theo Báo Phụ nữ VN/hrw.org, SCMP