Trục lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp: Phát hiện và xử lý không dễ

“Từ đầu năm đến cuối tháng 5/2016, có hơn 11.800 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện 63 trường hợp bị thu hồi trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số ban đầu”.


Người lao động làm thủ tục BHTN tại TT DVVL Hà Nội.

Người lao động làm thủ tục BHTN tại TT DVVL Hà Nội.

Bà Phạm Thị Thêu - Phó Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TT DVVL Hà Nội) cho rằng thực tế số lao động bị thu hồi trợ cấp thất nghiệp (TCTN) lớn hơn con số rất nhiều: “Bởi những trường hợp này chỉ bị phát hiện khi tham gia đóng BHXH của lần tiếp theo khi có việc làm mới. Lúc đó cơ quan BHXH mới rà soát, phát hiện và thông báo với Trung tâm để cắt hồ sơ, thu hồi tiền TCTN”.

Đa dạng kiểu trục lợi

Nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm, gian lận quỹ BH thất nghiệp là do sự không trung thực của doanh nghiệp và người lao động. Đánh giá của TT DVVL Hà Nội cho thấy, có không ít lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách đăng ký TCTN để trục lợi.

Phổ biến nhất là người lao động dù tìm được việc làm nhưng không khai báo để tiếp tục nhận TCTN, lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BH thất nghiệp hoặc di chuyển sang doanh nghiệp mới một thời gian rồi lại quay về nơi cũ để làm việc.

“Địa chỉ lưu trên hồ sơ của người lao động thường là địa chỉ trên chứng minh thư. Nhưng khi tới đó, chúng tôi chỉ gặp cha mẹ họ. Còn đối tượng đã chuyển nhà, đi lấy chồng, đi làm ăn xa”- bà Thêu cho biết thêm. .

Không chỉ là hành vi trục lợi từ phía người lao động, nhiều trường hợp trục lợi lại được thông đồng giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, doanh nghiệp chủ động cho người lao động nghỉ việc trong thời gian ngắn. Khi đã hoàn tất các thủ tục hưởng TCTN, người lao động lại được chủ doanh nghiệp này nhận vào làm việc lại.

Theo TT DVVL Hà Nội, hình thức tinh vi này khó giám sát và phát hiện. “Đồng thời, việc thu hồi số tiền chi trả cũng không dễ. Sở LĐ-TB&XH Hà Nội ban hành quyết định cắt trợ cấp và thu hồi tiền TCTN. Nhưng nhiều trường hợp cố tình không trả hoặc “bặt vô âm tín”, không liên hệ được” - bà Phạm Thị Thêu nói.

Vi phạm có tính toàn quốc

Tình trạng trục lợi hưởng TCTN không chỉ xuất hiện ở Hà Nội, báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị giải quyết các chế độ BH thất nghiệp của Kiểm toán Nhà nước liên quan thời gian qua cho thấy điều này.

Trong số 32 tỉnh đã được kiểm toán, cơ quan Kiểm toán Nhà nước phát hiện 23 tỉnh phải thực hiện thu hồi số tiền chi sai các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, chỉ có một số ít các tỉnh như Bắc Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên thực hiện thu hồi xong. Các tỉnh còn lại đang tiếp tục thu hồi và kiến nghị không thu hồi một số trường hợp do không phù hợp theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp.

Tổng số tiền thu hồi theo Quyết định thu hồi đã ban hành là hơn 11,3 tỉ đồng và tổng số tiền không phải thu hồi là hơn 3 tỉ đồng.

Để phần nào ngăn chặn tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng phần mềm kết nối giữa quản lý BH thất nghiệp với dữ liệu thu, chi BH thất nghiệp của cơ quan BHXH để phục vụ cho việc tiếp nhận, giải quyết BH thất nghiệp.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH tăng cường kiểm tra những khó khăn vướng mắc để có các giải pháp kịp thời nhằm tránh sai sót, gian lận, trục lợi BH thất nghiệp; giúp tổng hợp, phân tích và cung cấp các thông tin nhanh về BH thất nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH cũng chủ động tổ chức cho cán bộ thuộc các Trung tâm DVVL cũng được nâng cao kỹ năng thông qua đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để thực hiện BH thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề.

Phan Minh

TIN VĂN:

Đà Nẵng: Doanh nghiệp nợ BHTN, BHXH, BHYT hơn 239 tỉ đồng

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng, tính tới cuối tháng 5/2016, số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trong thành phố đạt hơn 239 tỉ đồng. Trong đó, nợ BHXH 192 tỉ đồng, nợ BHYT hơn 32,5 tỉ đồng, nợ BHTN khoảng 14,4 tỉ đồng. Hơn 1.500 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 163 tỉ đồng…

Nhiều doanh nghiệp nợ BHTN, BHYT có số lượng nhiều, như: CTCP Cơ khí Lắp máy Sông Đà - chi nhánh 5 nợ hơn 4,6 tỉ đồng; CTCP Dây Cáp điện Tân Cường Thành nợ khoảng 3,3 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Con Đường Xanh nợ 8,4 tỉ đồng; Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng nợ hơn 6,7 tỉ đồng; Chi nhánh Trung tâm Điện thoại di động C.D.M.A tại TP. Đà Nẵng cũng nợ hơn 4 tỉ đồng…Theo đại diện BHXH TP. Đà Nẵng, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khiến tình trạng chậm nộp, hoặc nợ BHXH, BHYT hay BHTN gia tăng. Tuy nhiên còn không ít doanh nghiệp chủ động trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN nhằm chiếm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm. Được biết, cơ quan BHXH TP. Đà Nẵng đang phối hợp với ban, ngành có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra tình hình nợ đọng tại nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý tình trạng doanh nghiệp cố tình “nhờn thuốc”, khi trốn đóng các khoản bảo hiểm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

A.N