Trong hoạn nạn công nhân Việt không bỏ rơi chủ
Bị Cty Tân Đức triệt đường làm ăn bằng cách cắt nước và dùng hàng chục tấn đất đá đổ trước cổng, hơn 250 công nhân Cty Tango Candy (KCN Tân Đức, Long An) vẫn sát cánh cùng ông chủ Nhật Bản để đòi lại sự công bằng.
Hình ảnh xấu từ sự việc
Ngày 8/4, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đã nhận được chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) yêu cầu nhà đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức phải đăng ký khung phí sử dụng hạ tầng KCN với Ban quản lý trên cơ sở phù hợp với mặt bằng chung của khu vực và tuân thủ đúng quy định; đồng thời xử lý hành vi cản trở hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ KHĐT, việc Công ty Tân Đức cản trở hoạt động của một số doanh nghiệp trong KCN Tân Đức như phản ánh của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An là hành động gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo tâm lý hoang mang và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, cần được chấm dứt và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Lê Tấn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, vụ việc xảy ra ở KCN Tân Đức đã để lại hình ảnh không tốt đối với KCN Tân Đức, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư vào tỉnh Long An.
Công nhân Việt trong cơn sóng gió
Ông già người Nhật Tango Hirosuke, 77 tuổi, Giám đốc Cty Tango Candy, đã có 25 năm làm ăn ở Việt Nam. Khi KCN Tân Đức hình thành, ông gom vốn liếng về đây mở Cty sản xuất bánh kẹo, xuất sang thị trường Nhật Bản. Cty có hơn 250 nữ công nhân, hầu hết là người nghèo, sức khỏe yếu, phù hợp với công việc làm bánh kẹo thủ công. Ông và những người Nhật khác cầm tay chỉ việc để những công nhân nghèo khổ biết cách vẽ lên từng viên kẹo, từng cái bánh, phục vụ thị trường cao cấp.
Tân Đức đòi giá 10.018 đồng/m2/năm phí duy tu cơ sở hạ tầng, Cty ông rộng 10.000m2 sẽ đóng 100 triệu đồng. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (8 công ty) và 27 doanh nghiệp nước ngoài khác không đồng ý vì đây là mức giá cao nhất Long An - gần gấp đôi so với mức trung bình của tỉnh. Các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu “mức giá phù hợp” là 8.500 đồng/m2/năm, như vậy ông Hirosuke sẽ đóng 85 triệu đồng - chênh lệch 15 triệu đồng so với yêu cầu của Tân Đức. Khi doanh nghiệp bị triệt đường sản xuất, ông Tango đề nghị công nhân nghỉ ở nhà, ông sẽ trả lương đầy đủ. Tuy nhiên, các công nhân này vẫn quyết đi làm, không để doanh nghiệp chịu phạt vì trễ hợp đồng.
Ở Cty Tango Candy, nhiều công nhân rất rành cuộc đời ông chủ từng có tuổi thơ cơ cực và xem ông như một tấm gương của sự phấn đấu, như một con người kiểu mẫu để minh chứng vì sao nước Nhật đứng lên từ đổ nát chiến tranh lại trở thành cường quốc thế giới.
Trò chuyện với phóng viên, ông Tango kể: “Tôi sinh năm 1939, ở thành phố Kobe - một trong những cảng biển chính của Nhật Bản. Sinh ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ký ức tuổi thơ tôi có những trận bom. Năm 1945, khi tôi 6 tuổi, một trận bom đã giết chết hơn 100.000 người dân và đốt cháy cả thành phố Nagasaki và Hiroshima. Vụ đánh bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh cũng là một ám ảnh khủng khiếp. Tôi sống trong cảnh hoang tàn đổ nát suốt tuổi thiếu niên.
Cuộc sống đói khổ nhưng người Nhật luôn sống nguyên tắc, luôn công bằng. Đến 15 tuổi, tôi phải lập nghiệp để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Chưa trưởng thành, nhưng như nhiều thiếu niên khác, tôi được vào làm cho Tập đoàn Kotobuki, là nhân viên làm bánh. Năm 1993, tôi được điều sang Việt Nam mở thị trường với tư cách chuyên gia, rồi làm giám đốc chi nhánh tại Việt Nam. Năm 2000, sau 45 năm phục vụ duy nhất một công ty, tôi được nghỉ hưu nên ra ngoài, tự khởi nghiệp tại Việt Nam với nghề sản xuất bánh kẹo xuất sang thị trường Nhật Bản. Ở Việt Nam, tôi có những cộng sự đã làm việc với tôi hơn 20 năm”.
Những cộng sự mà ông Tango nói, có những người đã làm việc cùng ông từ năm 1993, khi ông vừa đến Việt Nam. Có những công nhân gắn bó đến mức có tới 2 thế hệ trong một gia đình cùng đang làm việc tại đây. Nhiều trường hợp khác, anh em, chị em, cha con, mẹ con, vợ chồng cũng đang làm việc tại Tango Candy như một mái nhà.
Văn hóa ứng xử khác nhau
Sau khi bị tỉnh buộc phải giải tỏa đống đất triệt đường sản xuất của đối tác, Cty Tân Đức đã kiện Cty Tango Candy ra tòa để đòi quyền lợi. Ông Nguyễn Văn Tiều - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An - xác nhận: “Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa đã thụ lý đơn và thu án phí. Tranh chấp về mức phí sẽ do tòa thụ lý”. Cty Tân Đức cho rằng có dấu hiệu bị “khủng bố tinh thần” khi người của Cty Tân Đức liên tục bị mời đến công an làm việc vì liên quan đến hành vi đổ đất trước cổng Cty Tango Candy. Ngoài ra, Tân Đức còn có văn bản gửi Thường trực tỉnh ủy Long An cho rằng, ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch tỉnh Long An - đã không bảo vệ quyền lợi chính đáng của Tân Đức mà lại bênh vực doanh nghiệp nước ngoài. Song song đó, Tân Đức còn có một văn bản khác khiếu nại ông Nguyễn Văn Tiều vì cho rằng mình bị thiệt hại, bị o ép.
Ông Lê Tấn Dũng - người phát ngôn của UBND tỉnh Long An - nói: “Tân Đức tự làm xấu mình, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Hành vi của Tân Đức không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác mà còn tự gây thiệt hại cho mình”.
Đối lại với Tân Đức, ông Tango Hirosuke lại có lời xin lỗi trực tiếp đến đại diện 500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong một cuộc gặp gần đây. “Tôi xin lỗi vì tôi mong vấn đề của cá nhân tôi, Cty tôi sẽ không làm ảnh hưởng đến những suy nghĩ tốt đẹp của họ về Việt Nam và người Việt. Với chuyện của cá nhân tôi, Cty tôi đã làm ảnh hưởng đến thời gian của mọi người; tôi chỉ mong một sự thỏa thuận với Cty Tân Đức trên các cơ sở pháp luật và ứng xử văn minh. Và tôi hoàn toàn không mong muốn sự việc nhỏ bé của mình làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt- Nhật được xây đắp mấy mươi năm nay”, ông Tango nói.
Ông Tango cũng gửi lời xin lỗi đến những bạn đọc đã mất thời gian vì câu chuyện của Cty ông. Đồng thời, ông cũng cảm ơn những công nhân đã cùng ông xây dựng nên thương hiệu Tango Candy có tiếng ở thị trường Nhật Bản.
Chính cách ứng xử của ông Tango Hirosuke đã khiến các công nhân của ông không rời xa ông. Họ sát cánh bên ông, không chỉ qua sự việc Tân Đức, mà là cả một quá trình.
Theo An Long/ Báo Lao động