Tranh luận việc có thêm 1 ngày nghỉ lễ và nghỉ vào ngày nào?
(Dân trí) - Thông tin đề cập tới 1 ngày nghỉ lễ mới trong năm dù đã được Bộ LĐ-TB&XH rút lại vào chiều 2/4. Tuy nhiên, vấn đề có hay không có thêm 1 ngày nghỉ và nghỉ vào ngày nào trong năm đã thu hút mối quan tâm chung của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau.
Nên có thêm 1 ngày nghỉ trong năm. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN).
Giải thích về quan điểm cá nhân như trên, ông Lê Đình Quảng cho rằng: “Hiện nay, công chức và viên chức đang làm việc 40 giờ/tuần. Trong khi đó, Luật lao động quy định thời gian làm việc không quá 48 giờ/tuần. Tại nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn làm việc tới 44 hoặc 48 giờ/tuần. Do đó, việc có thêm 1 ngày nghỉ cho người lao động là hợp lý, nhằm tái tạo sức lao động”.
Tính về tổng số ngày nghỉ lễ trong năm, ông Lê Đình Quảng cho rằng con số 10 ngày nghỉ lễ hiện nay là “chưa quá nhiều và cũng chưa quá ít”.
Đứng ở góc độ phát triển kinh tế, ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc nghỉ 1 ngày cũng là cơ hội kích cầu mua sắm, thúc đẩy thương mại và dịch vụ.
“Phương án nghỉ vào dịp 27/7 có ý nghĩa riêng. Tuy nhiên khi tham khảo ý kiến, chúng ta cũng nên quan tâm thêm tới phương án nghỉ kéo dài vào dịp Tết dương lịch. Điều này cũng phù hợp với xu thế của nhiều nước: Nghỉ dài ngày trong dịp đầu năm mới” - ông Lê Đình Quảng nói.
Chưa nên nghỉ thêm vào lúc này. Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Theo ý kiến của ông Phạm Minh Huân, việc điều chỉnh tăng hay giảm số ngày nghỉ lễ của người lao động cần tính tới các tác động kinh tế xã hội.
“Năng suất lao động đang là một thế mạnh để cạnh tranh giữa các quốc gia trong xu thế toàn cầu và công nghệ 4.0. Trong khi đó, năng suất lao động của chúng ta còn khiêm tốn nếu so với các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực. Việc có thêm 1 ngày nghỉ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp” - ông Phạm Minh Huân nói.
Bổ sung nhận định về quy định nghỉ lễ hiện nay, vị nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói: “Luật Lao động 2012 đã khá nhân văn khi đảm bảo trọng vẹn ngày nghỉ của người lao động. Theo đó, nếu ngày nghỉ trùng vào ngày cuối tuần, người lao động vẫn được nghỉ bù vào ngày liền kề tiếp theo”.
Cần cân nhắc thêm. Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may VN.
Phân tích thêm về quan điểm của mình, ông Trương Văn Cẩm cho rằng cần đánh giá tổng thể ở nhiều góc độ.
“Nếu từ phía người lao động, có lẽ nhiều người sẽ đồng tình. Nhưng từ phía doanh nghiệp sẽ gặp ít nhiều khó khăn vì ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh” - ông Trương Văn Cẩm cho biết.
Bổ sung thêm ý kiến, vị Tổng thư ký Hiệp hội dệt may cho rằng: Ngoài việc cho người lao động nghỉ 10 ngày lễ như trong năm, nhiều doanh nghiệp đang có chính sách tạo điều kiện để người lao động được nghỉ thêm.
“Đơn cử như các doanh nghiệp khu vực phía nam và sử dụng đông lao động. Ngoài việc xây dựng chế độ lương thưởng, sau Tết âm lịch, nhiều doanh nghiệp còn tạo điều kiện để người lao động ở xa có thể nghỉ tới ngày 15 âm lịch mới đi làm”.
Nghỉ thêm 1 ngày giữa tháng 5-9 là hợp lý, nghiên cứu thêm ngày nghỉ Lễ Vu Lan
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia về lao động việc làm cho rằng: Luật Lao động hiện quy định cho người lao động nghỉ 10 ngày lễ trong năm. Tuy nhiên, 10 ngày nghỉ này không phân bố đều trong năm.
Việc đề xuất thêm 1 ngày nghỉ sẽ giúp người lao động có điều kiện nghỉ ngơi, thúc đẩy tiêu dùng và phát triển ngành du lịch. Mặt khác, quãng thời gian từ tháng 5 tới tháng 9 chưa có ngày nghỉ. Do đó việc bổ sung 1 ngày nghỉ vào quãng thời điểm đó là hợp lý.
“Ý kiến về việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ có ý nghĩa thiêng liêng. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xem xét tới phương án nghỉ vào ngày lễ Vu lan báo hiếu - Rằm tháng 7 âm lịch. Ngày này cũng nằm trong quãng thời gian từ tháng 5-9. Đây là ngày riêng để bày tỏ lòng biết ơn tới cha mẹ, sự kính trọng với các bậc sinh thành. Đó cũng là một truyền thống của người Việt Nam” - vị chuyên gia cho biết.
V.K ghi
Hoàng Mạnh