1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cần Thơ:

Trải nghiệm ấm áp trong đêm mưa lạnh hồi hương

Bảo Kỳ Nguyễn Cường

(Dân trí) - "Dù mưa lạnh nhưng đêm về quê là trải nghiệm ấm áp đối với tôi!", anh Lê Hoàng Luân chia sẻ sau chuyến hồi hương gian nan, may mắn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người.

Mỗi người mỗi cảnh

Anh Lê Hoàng Luân (31 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết, vợ chồng anh lên Bình Dương, một người làm công nhân, một người làm cơ khí nhưng cả 2 đã thất nghiệp 6 tháng nay.

Vợ anh mới sinh con trai nhỏ được 7 ngày nhưng vì điều kiện quá ngặt nghèo, không thể tiếp tục cầm cự ở Bình Dương nên 2 vợ chồng quyết định tự đi xe máy chở nhau về quê.

Trải nghiệm ấm áp trong đêm mưa lạnh hồi hương - 1

Em bé 7 ngày tuổi đi xe máy cùng cha mẹ từ Bình Dương về Cần Thơ. Tại chốt kiểm soát Covid-19 ở cửa ngõ Cần Thơ, nhiều người nhìn thấy đã giúp gia đình ủ ấm bé và dùng ô tô chở về quê nhà (Ảnh: Minh Trung).

Đêm 7/10, vợ chồng anh Luân và đứa con đỏ hỏn về đến chân cầu Cần Thơ. Mưa lạnh, kiệt sức, lộ phí hết sạch, quãng đường về đến nhà còn gần 60km trở thành thách thức quá lớn khi càng tối mưa càng tầm tã.

Rất may mắn, anh chị được các nhóm hỗ trợ nhìn thấy, gọi vào chốt, cung cấp đồ ăn nhanh, nước uống và giúp sưởi ấm cho em bé.

"Các anh chị biết hoàn cảnh gia đình em như vậy, người cho 2 triệu, người cho 500 nghìn đồng, sưởi ấm cho con em, rồi đưa ô tô chở vợ con em về đến nhà. Mừng rớt nước mắt, em cảm ơn mọi người nhiều lắm", anh Luân xúc động nói.

Trải nghiệm ấm áp trong đêm mưa lạnh hồi hương - 2

Sau khi ủ ấm cho em bé, những người hỗ trợ đã dùng ô tô chở vợ con anh Luân về quê.

Có số tiền trao tặng, nỗi lo cơm áo cho những ngày trước mắt tạm lắng, gia đình anh Luân đã an tâm cách ly tại nhà.

Sau Tết, hai chị em Phạm Thị Ánh Ngọc (21 tuổi) và Phạm Thị Kim Xuyến (20 tuổi) quê ở huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ qua Tiền Giang làm công nhân nhưng chưa được bao lâu thì dịch đến, thất nghiệp.

Sáng ngày 2/10, hai cô gái khởi hành từ Mỹ Tho về Cần Thơ. Đồ đạc có gì bán được đã bán, cho được đã cho, hành lý còn lại của hai chị em chỉ vỏn vẹn mấy bộ đồ nằm gọn trong chiếc ba lô.

Người lao động ở Cần Thơ được hỗ trợ, tiếp đón khi về quê

Chia sẻ về "chuyến đi định mệnh" của mình, Ánh Ngọc kể, khi ấy, hai chị em chỉ còn đúng một triệu đồng, tiền xét nghiệm đã mất một nửa. Chi tiền xăng, tiền ăn, tiền nước dọc đường từ Tiền Giang về, cuối cùng, khi tới Cần Thơ, cả hai chỉ còn 300 nghìn đồng "lận lưng".

"Về đến khu cách ly của Cần Thơ, em không ngờ được mọi người chăm sóc chu đáo như thế. Hằng ngày, nhân viên y tế đều đến đo thân nhiệt, lo cơm nước 3 bữa, nước muối, cồn rửa tay… nên dù không còn tiền, em cũng thấy an tâm ở đây" - Ngọc Ánh nói.

Trải nghiệm ấm áp trong đêm mưa lạnh hồi hương - 3

Nhân viên y tế theo dõi, thăm khám sức khỏe hai chị em Ngọc và Xuyến tại phòng cách ly (Ảnh: bảo Kỳ).

Ngoài Xuyến và Ngọc còn có nhiều hoàn cảnh khác được tập trung về cách ly tại ký túc xá khu A, Đại học Cần Thơ. Đa số người dân thuộc diện lao động đặc biệt khó khăn, bị mất việc làm.

Ông Phạm Thành Tữu (61 tuổi) cho biết, vợ chồng ông và con trai từ huyện Cờ Đỏ lên Tây Ninh làm thuê kiếm sống từ sau tết. Mất việc 3 tháng nay, tiền tiết kiệm dùng đã hết từ lâu, hành trình về quê, theo đó, là tay không trở về.

"Ngày 30/9 gia đình tôi đánh liều đi xe máy về quê. Tới ranh giới huyện Củ Chi (TPHCM) thì gặp lực lượng chức năng, cứ sợ không được về nhà nhưng may sao các anh ở chốt kiểm dịch nói rằng sẽ sắp xếp xe đưa về quê" - ông Tữu thuật lại.

Trải nghiệm ấm áp trong đêm mưa lạnh hồi hương - 4

Vợ chồng ông Phạm Thành Tữu cho biết những ngày qua khi về đến Cần Thơ, tại khu cách ly ông được chăm sóc ân cần (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sau đó, vợ chồng ông đã được xe đón, chở tới khu cách ly ở Cần Thơ. "Trên chuyến xe về quê, tôi cứ bồi hồi vì mừng quá. Suốt cả đêm trước đó, cả nhà tôi không ai ngủ được vì phấn khởi", ông Tữu nhớ lại.

Cũng theo ông Tữu, 5 ngày sống trong khu cách ly ông được chăm sóc chu đáo lo cơm nước, thuốc men.

Không để ai bị bỏ rơi…

Ký túc xá khu A của trường Đại học Cần Thơ, từ lúc được trưng dụng làm khu cách ly (23/7) đã và đang chăm sóc cho 1.237 người, trong đó có 179 F0, 4 thai phụ và 31 trẻ em.

Điều dưỡng Châu Minh Trí phụ trách chăm sóc sức khỏe cho người dân đang cách ly cho biết, mỗi ngày nhân viên y tế sẽ đến đo thân nhiệt và hỏi thăm tình trạng sức khỏe của người dân. Người có bệnh lý nền, thai phụ sẽ được lưu ý và chăm sóc chế độ riêng, theo dõi kỹ hơn.

Trải nghiệm ấm áp trong đêm mưa lạnh hồi hương - 5

Cán bộ Y tế đo thân nhiệt cho những người hồi hương tại khu cách ly (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Với người có dấu hiệu mắc Covid-19, chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính sẽ đưa đi điều trị. Người ở chung phòng khi đó sẽ được tách sang khu vực khác để sàng lọc", điều dưỡng Châu Minh Trí cho biết.

Theo Thượng tá Phạm Văn Thanh - Chỉ huy trưởng Khu cách ly ký túc xá khu A, trường Đại học Cần Thơ, 50% phòng ở tại đây được sử dụng làm vùng đệm để chờ xét nghiệm và sàng lọc F0. Nếu phát hiện trường hợp dương tính SARS-CoV-2, cơ quan y tế  sẽ đưa đi điều trị, các trường hợp âm tính hoặc F1 có liên quan sẽ bố trí sang khu vực nội trú hoặc dự phòng của ký túc xá.

Người dân được tiếp nhận về khu cách ly được bố trí chỗ ở 4 người/phòng.

Trải nghiệm ấm áp trong đêm mưa lạnh hồi hương - 6

Nhiều bạn trẻ đã túc trực nhiều đêm ở chân cầu Cần Thơ hỗ trợ người đi đường (Ảnh: Hoàng Tùng).

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ngay trong đêm 1/10, người dân đã bắt đầu về. Tính đến tối 7/10, đã có 10.674 người về tới Cần Thơ. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân, UBND TP Cần Thơ đã ban hành ngay kế hoạch tổ chức tiếp nhận công dân trở về từ vùng dịch.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu tinh thần chủ động, chuẩn bị tốt điều kiện, cơ sở vật chất, sẵn sàng tổ chức tiếp nhận, phân loại, cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà đối với bà con trở về từ vùng dịch, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tới tối 7/10, đã có 1.537 người được cách ly tập trung, 8.361 người cách ly tại nhà, 78 người là F0 được điều trị... Bà con cách ly, theo dõi tại nhà được phát ngay 15 kg gạo/người, lấy từ kho gạo dự trữ và từ nguồn vận động xã hội hóa, hỗ trợ sinh hoạt phí khẩn cấp với mức 500.000 đồng/người.