Đắk Lắk:
"Tỉnh phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ các nhóm đối tượng"
(Dân trí) - Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH thẳng thắn nhận định, tỉnh Đắk Lắk chi trả các gói hỗ trợ còn chậm và cần quyết liệt chỉ đạo, quán triệt các địa phương sớm thực hiện hỗ trợ.
Nhiều gói hỗ trợ còn triển khai chậm
Ngày 28/10, Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH do Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết, tính đến 26/10, thực hiện Nghị quyết 68 tỉnh Đắk Lắk đã triển khai chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng cụ thể.
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 2.973 số người sử dụng lao động được hỗ trợ, tương ứng với 43.954 người lao động, số tiền được hỗ trợ trên 13 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất có 6 người sử dụng lao động được hỗ trợ, 201 người lao động được hỗ trợ với số tiền dừng đóng là trên 911 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với 2.721 lao động, phê duyệt 357 người, đã chỉ trả 173 người, tỷ lệ chi trả: 48,1%.
Chính sách người lao động ngừng việc cho 44 đơn vị với 410 lao động, phê duyệt 3 người, số tiền 3 triệu đồng (chiếm 0,6%).
Đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, có 27.000 trường hợp được hỗ trợ với kinh phí tạm tính là 31 tỷ đồng. Trường hợp F0 đã phê duyệt 158 người với số tiền là 296 triệu đồng đã chi trả; trường hợp F1 phê duyệt 129 người với số tiền là 139,7 triệu đồng và mới chi trả cho 36 người.
Hỗ trợ hộ kinh doanh đã phê duyệt 9 hộ, số tiền 27 triệu đồng (số dự kiến 6.000 hộ) và hiện chưa chi trả, hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động phê duyệt 9.421 người, số tiền trên 11 tỷ đồng. Chi trả đến 3.045 người với số tiền khoảng 3,8 tỷ đồng (tỷ lệ 35%)…
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk thừa nhận, việc thông tin, tuyên truyền, rà soát, thiết lập và tiếp nhận các hồ sơ đề nghị hỗ trợ bị nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19.
"Việc phải thực hiện công tác đưa đón công dân của tỉnh tại các vùng dịch trở về nên các địa phương ưu tiên thực hiện công tác đưa đón, phòng, chống dịch, từ đó dẫn đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chưa thực sự đạt hiệu quả cao", ông Thuân cho hay.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tạm thời cho lao động nghỉ việc nên rất khó khăn trong việc thông báo cho người lao động nghỉ việc kê khai hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Một số quy định tại Quyết định số 23 chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến công tác thẩm định, phê duyệt hỗ trợ còn chậm…
Gắn trách nhiệm người đứng đầu với tiến độ chi trả
Qua trao đổi với Đoàn kiểm tra, bà H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị, đề xuất việc hỗ trợ tiêm vaccine cho toàn bộ người lao động để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.
Đề nghị Trung ương hỗ trợ địa phương trong việc kết nối thông tin thị trường lao động trên phạm vi toàn quốc, để người lao động biết được các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, từ đó tìm được việc làm phù hợp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình đề nghị tỉnh Đắk Lắk quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các địa phương thực hiện chi trả đến các đối tượng gặp khó khăn.
"Cần quán triệt, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các xã, huyện để có được sự quan tâm trong quá trình chi trả. Hiện các địa phương chỉ chủ yếu giao cho các cán bộ mảng lao động mà chưa có sự phối hợp kịp thời", ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Vũ Trọng Bình cũng lưu ý Đắk Lắk cần chú trọng công tác tuyên truyền, phải nắm bắt thực tế các đối tượng thụ hưởng, không để xảy ra tình trạng không nắm được tổng số lượng đối tượng được thụ hưởng, không để lúng túng với các số liệu.
Cục trưởng Bình thẳng thắn nhận định việc các gói chính sách trên địa bàn Đắk Lắk triển khai còn rất chậm, tỷ lệ thấp nên cần sự quan tâm sâu sát. Đồng thời cần nắm bắt thị trường lao động và đối với khoảng 170.000 lao động về địa phương cần nắm tâm tư, nguyện vọng để hỗ trợ các lao động.