Tìm lại niềm vui công việc sau kỳ nghỉ tết

(Dân trí) - Sau một kỳ nghỉ kéo dài như kỳ nghỉ tết, phải trở lại với công việc, bạn thường có cảm giác chán nản, hụt hẫng như vừa tan mất cuộc vui. Để tìm lại niềm vui công việc, bạn sẽ làm gì?

Tìm lại niềm vui công việc sau kỳ nghỉ tết - 1
 
Theo giám đốc một công ty tư nhân cho biết: “Tháng giêng là tháng ăn chơi, và cũng là tháng mà khả năng làm việc của nhân viên hạn chế nhất trong năm. Với những nhân viên đã có ý định chuyển việc từ lâu, thì chính lúc này là lúc họ sẽ bị dao động giữa đi hay ở”.

 

Thực ra, lãnh đạo công ty có biết tình trạng này, nhưng vì nhiều lý do họ ít quan tâm đến. Bản thân bạn, nếu thoải mái với môi trường làm việc, hay những mối quan hệ với đồng nghiệp, nhưng vấn đề duy nhất là năng lực của bạn bị vị trí hiện tại kìm hãm, bạn hãy thử nhanh chóng giải quyết theo 3 hướng khác nhau này:

 

Cách một: Tự đề bạt mình lên một chức vụ mới

 

Nếu bạn cảm thấy bạn không thể phát huy được hết năng lực của mình cho công việc, bạn lên đề nghị với giám đốc về một vị trí mới. Trước hết, bạn phải giải thích rõ ràng cho sếp hiểu rằng: bạn không hợp ở vị trí này, nhưng bạn sẽ có cơ hội thăng tiến ở một vị trí khác. Đừng quá rụt rè, thụ động trong giới hạn công việc trước nay. Bạn hãy tự tin chứng minh cho sếp và các đồng nghiệp thấy những khả năng tiềm ẩn của bạn. Bạn có thể học cách cư xử, làm việc của một đồng nghiệp hay người khác mà bạn ngưỡng mộ, những hãy tránh là bản sao của người đó.

 

Cách hai: Tìm cách học thêm

 

Việc thay đổi hình ảnh của mình trong mắt các đồng nghiệp và sếp quả là rất khó, nhưng không phải là không làm được. Tự nâng cao năng lực chuyên môn hay học thêm một chuyên ngành nào mà mình yêu thích là cách giải quyết tích cực và thuyết phục nhất.

 

Mai Lan, 25 tuổi, trước đây từng làm cho bên quảng cáo, nhưng cô lại rất mê phần mềm và thiết kế web. Cô muốn chuyển sang ngành nghề đầy mới mẻ và khó khăn này. “Lúc đầu, tôi làm quen với các bạn ở phòng quản trị mạng, vừa giúp họ làm vài việc vặt vừa nhân tiện hỏi họ các chương trình mà họ đã qua đào tạo, hỏi họ các trung tâm học uy tín, giá học mềm. Sau đó, cứ buổi tối, tôi lại đến đó học thêm về lập trình mạng. Hơn một năm sau, cơ hội đã đến với tôi. Một chị ở phòng quản trị đó nghỉ để chuẩn bị sinh con, tôi đã đề nghị sếp cho tôi thử thế vào chỗ trống đó”.

 

Hiện giờ, Lan đã là một người rất có uy tín của công ty. Chú ý nói chuyện với các đồng nghiệp về nguyện vọng thay đổi công việc của mình cũng là một cách khá hay. Nó sẽ giúp bạn tạo được sự chú ý hơn.

 

Cách ba: Yêu cầu tăng lương

 

Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho bạn chán nản với công việc là mức lương chưa thỏa đáng. Thời buổi giá cả các nhu yếu phẩm tăng chóng mặt, mà lương của bạn cứ “nguyễn y vân”, thậm chí không đủ chi tiêu. Trong trường hợp như thế này bạn nên đề nghị sếp tăng lương. Đây chắc chắn chẳng phải là một công việc đơn giản chút nào. Nếu bạn không muốn nhận cái lắc đầu từ sếp, bạn hãy chuẩn bị trước một số việc sau:

 

Tìm hiểu thật kỹ mức lương:

 

Tỉnh táo và thực tế, hãy so sánh mức lương của mình với những người cùng vị trí trong công ty và các công ty khác. Bạn cũng nên để ý đến năng lực và thời gian làm việc của những người có mức lương cao hơn bạn. Khi họ ở thời điểm của bạn mức lương của họ thế nào? Từ đó bạn mới có đủ thông tin nhận đúng về mức lương hiện tại của mình. Để có cái nhìn bao quát về mức lương công việc bạn đang làm, bạn hãy xem: ở vị trí của bạn thì công ty khác trả lương như thế nào? Khả năng kinh doanh của công ty bạn so với các công ty đó ra sao? Từ đó bạn mới đề nghị được khả năng tăng lương và mức tăng lương có thể chấp nhận được.

 

Xem xét, đánh giá khả năng thật của mình:

 

Trước khi gặp sếp, bạn hãy liệt ra những ưu điểm của mình. Cần nhìn nhận một cách khách quan, tốt nhất là qua những công việc đã làm. Trong cuộc nói chuyện, bạn hãy khéo léo đan xen chúng vào như những dẫn chứng thuyết phục nhất.

 

Bằng lòng với một mức lương tương đối:

 

Nếu yêu cầu của bạn chỉ được sếp đồng ý một phần, hãy cố gắng chấp nhận. Đừng to tiếng nói với sếp: “Bao giờ lương của tôi tăng thêm lần nữa”. Bạn sẽ phải hối hận vì lỡ lời nói như thế.

 

Chủ động đối phó với tình huống không thành công:

 

Lúc ấy, bạn hãy cân nhắc mình sẽ được gì và mất gì khi bỏ việc ở công ty để đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Các sếp thường không để nhân viên giỏi nghỉ việc trong công ty chỉ vì nhưng bất đồng về mức lương. Hoặc họ sẽ giải thích tại sao bạn nên chấp nhận mức lương đó. Vì thế trước khi đề cập đến vấn đề lương bạn phải nhìn nhận đúng khả năng thật sự của mình.

 

Nếu môi trường làm việc cho bạn khả năng tự nâng cao nghiệp vụ, hãy cố gắng tận dụng nó. Bạn hãy thay đổi khi công việc không còn phù hợp với trình độ hay năng lực của bạn nữa.

 

Anh Ngà