Tiếp viên hàng không kiếm 40 triệu/tháng, chịu trận những yêu cầu quái gở
(Dân trí) - "Máy bay nóng quá, em có thể mở cửa cho mát không?", một hành khách yêu cầu khi máy bay đang trên độ cao hơn 10.000m, khiến nam tiếp viên Minh Đức vã mồ hôi.
Làm tiếp viên hàng không được hơn 4 năm, Đặng Minh Đức (29 tuổi) cho hay, để đạt được mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng, anh phải đánh đổi cả sức khỏe lẫn tinh thần. Đối với Đức, ám ảnh nhất là những khi nhận đòi hòi quái gở của khách hàng.
Shipper thành tiếp viên hàng không
Trở về sau chuyến bay đêm kéo dài nhiều giờ, nam tiếp viên hàng không Minh Đức đổ sập xuống giường, tấm thân rã rời, mỏi nhừ. Đức cho biết, giờ giấc của người làm nghề này thường không cố định, chuyện lấy đêm làm ngày là không có gì lạ, có hôm được nghỉ bù cũng không thể ngủ.
Không những vậy, nghề này cũng có nhiều đòi hỏi, tiêu chuẩn cao nên tiếp viên hàng không khó tránh khỏi cảnh áp lực.
Trước đây, Minh Đức từng làm việc tại một khách sạn ở TPHCM. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, Đức thất nghiệp và phải làm tài xế giao hàng (shipper) để kiếm sống.
Nghề chạy xe cũng bấp bênh, ngày càng khó khăn, thu nhập không đủ chi, anh tất tả lên mạng tìm việc mới. Ngay khi thấy thông báo tuyển dụng của một hãng hàng không, Đức liền ứng tuyển, ôm giấc mơ bay nhảy, có lương "khủng" để đổi đời.
Tuy nhiên, mọi khởi đầu không bao giờ dễ dàng.
"Ngoài yêu cầu về ngoại hình, công ty còn đòi hỏi tiếp viên hàng không phải có sức khỏe, kiến thức, trình độ ngoại ngữ và hàng tá tố chất khác. Trước ngày ứng tuyển, tôi phải dành nhiều tháng để đi học tiếng Anh, chăm sóc da mặt và cải thiện ngoại hình. Đây là nghề không ít người mơ ước nên yêu cầu cũng thực sự khắt khe, tỉ lệ "chọi" cao", Đức nói.
Khi đã vượt qua vòng ứng tuyển, Đức chia sẻ, tiếp viên hàng không còn phải tham gia kỳ huấn luyện đầy khắc nghiệt trong 3-4 tháng. Trong đó, kiến thức và kỹ năng được học bao gồm an ninh, an toàn hàng không, diễn tập sơ tán, sơ cứu hành khách trong trường hợp khẩn cấp,…
Thời gian đầu mới vào nghề, Đức gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với những chuyến bay dài và thời gian làm việc thay đổi liên tục. Không những vậy, chàng trai còn phải đối mặt với những tình huống, yêu cầu "khó đỡ" và những lần tức giận vô lý từ khách hàng.
"Nghề được đủ thứ"
Để trụ được với nghề, anh Đức khái quát "cần phải đánh đổi nhiều thứ."
"Thời gian cho gia đình là thứ phải đánh đổi nhiều nhất. Lễ, Tết, hầu như tôi không về nhà. Khi mọi người quây quần bên gia đình, chúng tôi vẫn rong ruổi với những chuyến bay. Lắm lúc cũng chạnh lòng lắm, nhưng đã theo nghề thì phải chấp nhận.
Sức khỏe của tôi cũng bị ảnh hưởng không ít trong 4 năm qua. Vì những chuyến bay ở nước ngoài, lệch múi giờ, chúng tôi luôn phải cố thích ứng với thay đổi lịch sinh học", Đức nói.
Ngoài ra, mỗi tiếp viên hàng không, cả nam và nữ, còn phải biết giữ mình, không để bản thân rơi vào cám dỗ. Trong đó, điều khiến anh sợ hãi và luôn cẩn trọng nhất chính là tránh việc bị người xấu lợi dụng sơ hở, bỏ vật phẩm cấm vào hành lý.
Những tiếp viên hàng không như Đức cũng phải tuân thủ nhiều nội quy, tuyệt đối không nhận hay cầm hộ đồ của người khác từ nước ngoài về Việt Nam.
Ngoài những đánh đổi, anh Đức bộc bạch, thứ níu chân anh ở lại với công việc là không "đặc quyền" mà nghề mang lại. Theo đó, anh Đức xác nhận thông tin tiếp viên hàng không thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng là điều có thể xảy ra.
Ngoài ra, anh còn có cơ hội du lịch nước ngoài, lưu trú ở các khách sạn sang trọng miễn phí khi phục vụ các chuyến bay quốc tế.
"Điều quý giá nhất chính là có những kỷ niệm đẹp với hành khách. Hơn 4 năm làm nghề, tôi không thể quên cảnh một vị khách lớn tuổi bị khó thở, ngất lịm trên máy bay. Lần đó, tôi và đồng nghiệp đã xử lý, cấp cứu thành công cho vị khách", Đức kể.