Ticketing - Nghề khó mà hấp dẫn

(Dân trí) - Hàng năm có hàng tỷ người di chuyển bằng máy bay - bạn cũng đã từng là một trong số đó? Và để có mặt trên một chuyến bay, bạn sẽ bắt đầu như thế nào? Thật dễ trả lời những câu hỏi này nếu bạn thông qua những nhân viên Ticketing.

Ticketing - Nghề khó mà hấp dẫn - 1
Các hoạt động đào tạo Ticketing của Galileo Việt Nam
 
Thế nào là một nhân viên Ticketing

 

Cô ấy là một Reservation and Ticketing Agent (RTA) hay còn gọi là Airline Reservation Agent - Một nhân viên đặt và bán vé máy bay. Công việc chính của cô ấy là trợ giúp khách hàng lên kế hoạch cho kỳ nghỉ và làm công tác đặt giữ chỗ trên mọi phương tiện đi lại và bảo đảm mọi thứ liên quan tới nơi ăn chốn ở đều sẵn sàng.

 

Cô ấy thường xuyên phải nhận điện thoại, trả lời các đơn đặt hàng qua email, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và đưa ra những lời khuyên, những thông tin về các sự chuẩn bị cho chuyến du lịch như hành trình, lịch trình cụ thể, mức chi phí, và các loại yêu cầu cần được đáp ứng. Từ đó đưa ra dự toán chi phí, đặt chỗ và xác nhận và đặt phòng khách sạn theo đúng yêu cầu của khách hàng.

 

Công việc của các RTA thường lặp đi lặp lại và căng thẳng. Nghe điện thoại, email và giải đáp thắc mắc đến những chi tiết nhỏ hàng ngày, hàng giờ đòi hỏi sự cẩn thận, chi tiết và khả năng giữ cân bằng cao của mỗi Ticketing.

 

Yêu cầu của một RTA

 

Nhân viên RTA chí ít cũng phải tốt nghiệp PTTH, nhất thiết phải biết sử dụng máy tính và tiếng Anh ở trình độ cơ bản, đó là những yêu cầu đầu tiên.

 

Thứ hai, tất cả những nhân viên đặt chỗ và vé máy bay đều phải qua một lớp đào tạo của hãng hoặc sẽ được gửi tới các nhà cung cấp hệ thống để được đào tạo. Tại đó, họ được cung cấp các kiến thức cần thiết để trở thành một ticketing chuyên nghiệp.

 

Thứ ba, RTA làm việc trực tiếp với cộng đồng do đó tính cách thân thiện, nhiệt tình và hoà nhã là rất quan trọng bên cạnh những yêu cầu như cẩn thận, chi tiết, giọng nói dễ nghe.

 

Ngoài ra, các kỹ năng khác như sử dụng máy tính, kỹ năng giao tiếp và bán hàng, có thể bổ sung trong quá trình làm việc. Những Ticketing giỏi ở Việt Nam, có kinh nghiệm lâu năm sẽ có cơ hội trở thành Ticketing Supervisor đại diện cho một hãng hãng không tại Việt Nam; trở thành quản lý hoặc mở đại lý bán vé riêng.

 

Hiện tại, ở Việt Nam, có 3 hệ thống phân phối toàn cầu đang được sử dụng. Các đại lý khi tham gia vào các hệ thống phân phối này đều có khả năng khai thác thông tin, đặt chỗ và xuất vé trên hệ thống từ các chuyến bay nội địa đến các chuyến bay quốc tế; đặt chỗ và đặt phòng khách sạn, thuê xe ô tô đưa đón….

 

Và… RTA tại Việt Nam

 

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 10.000 nhân viên đặt chỗ và bán vé máy bay, có thể chia làm ba nhóm chính:

 

- Ticketing làm việc trực tiếp cho các hãng hàng không có nhiệm vụ là đặt và bán chỗ trên những chuyến bay của hãng mình tại Việt Nam; họ được hưởng các điều kiện và chế độ của hãng hàng không đó và không phụ thuộc vào các hệ thống phân phối.

 

-Ticketing làm việc cho các đại lý bán vé máy bay : Một đại lý bán vé máy bay có thể làm đại lý cho nhiều hãng hàng không cùng một lúc. Ví dụ, một đại lý của Vietnam Airlines vẫn có thể làm đại lý bán vé của China Airlines, và vẫn có thể bán được vé của American Airlines. Các Ticketing làm việc tại đây bắt buộc phải được đào tạo những khoá học về bán vé máy bay trên các hệ thống phân phối toàn cầu mà các đại lý đang sử dụng.

 

- Ticketing làm việc tại các đại lý du lịch: đối với các đại lý du lịch nhỏ, có thể gọi họ là những nhân viên làm du lịch thì chính xác hơn, vì ticketing chỉ là một nhiệm vụ như một dịch vụ cung cấp thêm cho khách hàng. Với 1 tour du lịch trọn gói, thay vì gọi điện tới các hãng hàng không hoặc đại lý bán vé máy bay khác để đặt chỗ, với hệ thống phân phối toàn cầu, bản thân các đại lý du lịch này hiện nay cũng có thể tự đặt và lấy chỗ cho các hành trình của mình.

 

Các ticketing cũng là một đối tượng khách hàng chăm sóc đặc biệt của các nhà cung cấp hệ thống phân phối. Tại các thị trường khác nhau, mỗi nhà cung cấp đều có những chính sách riêng nhằm khuyến khích các ticketing sử dụng hệ thống của mình. Các nhà cung cấp hệ thống thường đưa ra những chính sách, quà tặng, dựa trên số lượng hành trình (segment) mà các ticketing đặt trên hệ thống của họ, ngoài ra, họ còn tổ chức các khoá học training về những kỹ năng cần thiết, cung cấp kiến thức thường xuyên, cập nhật những thông tin mới nhất, thậm chí còn tổ chức dưới hình thức một câu lạc bộ dành riêng cho ticketing.

 

Có thể nói, nghề Ticketing khá áp lực nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Ở Việt Nam, đây vẫn chưa phải là một nghề phổ biến và được nhiều người lựa chọn. Chị Nguyễn Minh Quế - Helpdesk & Trainning Manager – Galileo Vietnam - một trong ba nhà cung cấp hệ thống phân phối toàn cầu tại Việt Nam nói trên, nhận định: “Đây là nghề có yêu cầu khá cao về tính chi tiết, khả năng giao tiếp và những kỹ năng mềm. Để được đào tạo để trở thành một ticketing không khó nhưng để trở thành một ticketing giỏi không chỉ cần sự nỗ lực chăm chỉ và thành thạo sử dụng hệ thống.

 

Và khi đã trở thành một ticketing giỏi, bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào các vị trí ticketing tại các hãng hàng không có mặt ở Việt Nam cũng như trở thành một Ticketing Supervisor đại diện của các hãng hàng không khác, những cơ hội đó không nhiều nhưng bạn hoàn toàn có thể nắm được chúng.

 

Tuy nhiên, xét theo xu hướng thị trường năm nay, do kinh tế khó khăn nên nhu cầu đi lại đặc biệt là đi du lịch của người dân chắc chắn sẽ sút giảm, nên nhu cầu về ticketing mới cũng sẽ giảm. Và đây chính là thời điểm để các RTA tích luỹ thêm kiến thức, nâng cao nghiệp vụ để chuẩn bị cho những cơ hội trong tương lai”.

 

Hà Phương (tổng hợp)