Thương lượng lương thời khủng hoảng
(Dân trí) - Thời buổi kinh tế khủng hoảng, kiếm được một công việc đã khó, huống hồ là việc lương cao. Tuy nhiên, bạn vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức lương mong muốn với một chiến lược thương lượng khéo léo.
Thể hiện sự tự tin
Hãy ngẩng cao đầu bước vào bàn thương lượng với sự tự tin, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người bình tĩnh, quyết đoán, nổi bật ra sao. Trong hàng đống ứng viên luôn lo lắng mình sẽ không nhận được lời đề nghị hay lúng túng trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ là người gây chú ý vì sự lạc quan, đĩnh đạc của mình.
Trong quá trình tuyển dụng, sự cạnh tranh giữa các ứng viên rất khốc liệt. Dù bạn có trình độ cao hay nền tảng kỹ năng tốt ra sao, có thể sẽ có những ứng viên khác tốt hơn bạn. Và đây là điều bạn không thể kiểm soát được. Cái bạn có thể kiểm soát chính là thái độ, quan điểm của mình. Hãy thể hiện một cách tinh tế rằng nếu bạn còn có nhiều sự lựa chọn khác ngoài công việc ở đây. Sự kết hợp giữa năng lực ấn tượng của bạn với khả năng công ty sẽ đánh mất bạn vào đối thủ cạnh tranh của họ, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ cân nhắc về trường hợp của bạn kỹ lưỡng hơn.
Thương lượng cả những yếu tố ngoài lương
Lương không phải lời lợi ích duy nhất bạn nhận được khi làm việc cho công ty. Bạn còn có thể nhận được bảo hiểm y tế, trợ cấp xăng xe, ngày nghỉ, hoa hồng, thời gian làm việc linh hoạt… Nếu chỉ chăm chăm thương lượng lương cao mà bỏ qua những yếu tố này, có thể cuối cùng lợi ích bạn nhận được không hẳn thực sự là cao.
Hơn nữa, lương cao chưa chắc đã đảm bảo chỉ sổ thỏa mãn cao nhất. Bạn có thể sẽ hài lòng hơn với mức lương thấp hơn nhưng được tạo điều kiện thỉnh thoảng làm việc tại nhà để chăm sóc con nhỏ hay nhận được chế độ ưu đãi hấp dẫn khác. Vì vậy, hãy chú ý tới gói lợi ích trọn gói, không chỉ tiền lương khi thương lượng với nhà tuyển dụng.
Nhanh chóng kết thúc cuộc thương lượng
Hãy thực hiện cuộc thương lượng một cách ngắn gọn và nhanh chóng kết thúc khi bạn nhận được lời đề nghị mong muốn hoặc chấp nhận được bằng cách trả lời họ ngay. Chần chừ hay đề nghị một tuần hoặc hơn để cân nhắc về lời đề nghị có thể khiến nhà tuyển dụng muốn đổi ý.
Ngoài ra, bạn nên áp dụng những lời khuyên sau:
- Không nên “khơi mào” chuyện tiền nong cho tới khi nhận được lời đề nghị công việc
- Để nhà tuyển dụng đưa ra con số cụ thể trước
- Tìm hiểu kỹ lưỡng về mức lương ở vị trí tương tự ở các công ty khác
- Luyện tập cách thương lượng hàng ngày, đơn giản bằng cách mặc cả khi đi mua đồ dùng hay khi đi chợ
- Không quên hỏi người phỏng vấn về thời gian và mức đánh giá tăng lương hàng năm
- Không “cần xin” người phỏng vấn bằng cách thể hiện sự đáng thương của mình, rằng bạn cần tiền để nuôi em ăn hoặc hay vì chi phí sinh hoạt tăng cao… Nhà tuyển dụng thuê bạn vì năng lực của bạn, vì những gì bạn có thể đóng góp cho bạn chứ không phải vì lý do cá nhân.
Vũ Vũ
Theo Careerealism