1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thương hiệu sếp

Không chỉ là chuyện lương lậu, cơ hội thăng tiến, đôi khi bạn nhận một lời mời làm việc chỉ vì... ông sếp. Ông sếp này có gì hấp dẫn bạn thế?

Thương hiệu sếp: công cụ “kéo” người

 

“Khi tôi hỏi bạn bè, có nên sang công ty mới làm không, bạn tôi à lên: “Làm quân ông X. hả? Được lắm đấy!”. Bản thân tôi cũng thắc mắc tại sao bạn tôi không hỏi: lương bao nhiêu, làm vị trí gì mà lại nhắc ngay đến sếp. Nhưng ngay khi search thông tin về sếp mới của tôi trên Google, thì tôi không còn do dự. Tôi sẽ đầu quân cho xếp X!”.

 

Đó là tâm sự của Quân, một tân nhân viên, từ bỏ một vị trí lương cao sang một vị trí lương thấp hơn một chút, Quân bảo: “Không sao, mình còn trẻ. Và được làm việc với sếp của mình bây giờ, mình thu được kinh nghiệm bổ ích và cảm hứng làm việc tuyệt vời, ý nghĩa hơn tiền lương nhiều!”.

 

Có những người chấp nhận đến một miền đất mới là vì một cá thể: đó là sếp. Đã nghe tiếng về sếp. Đã đặt câu hỏi: nếu tôi là cộng sự với người này, tôi sẽ thế nào? Đã nhìn và ghen tị với những nhân viên kiêu hãnh trả lời: “Tôi làm việc cho sếp ấy”. Có nghĩa là: một “thương hiệu” của sếp đã định hình, và thương hiệu ấy hút người hơn mọi thứ đãi ngộ ở công ty này. Dĩ nhiên, nếu thương hiệu ấy không phải là “kem nổi” mà thực sự nó giúp bạn khẳng định hướng lựa chọn của mình là đúng, thì bạn thực sự có quyền tự hào vì nó, bởi thương hiệu của sếp gắn với thương hiệu của bạn.

 

Thương hiệu sếp: công cụ giữ người

 

“Mỗi lần có chuyện bực tức với đồng nghiệp hoặc một lời mời gọi từ bên ngoài, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: sếp của họ có như sếp tôi không?”, Thu, nhân viên một công ty truyền thông tâm sự.

 

Một ông sếp như thế này có đáng khiến bạn ở lại không?

 

Ông ấy nghiêm túc và cực kỳ quyết đoán trong công việc, nhưng lại là một người rất biết đặt câu hỏi đúng lúc, biết lắng nghe và không ngần ngại chia sẻ: “Anh qua tôi đi, tôi nghĩ chúng ta có thể nói chuyện thoải mái về chuyện gia đình anh. Chuyện này tôi gặp vài lần rồi!”.

 

Ông ấy luôn đòi hỏi rất cao trong tính kỷ luật và khả năng hoàn thành đúng hạn định, yêu cầu công việc của mỗi nhân viên nhưng khi có một dấu hiệu gì không tốt, từ phòng ban khác, từ bên ngoài công ty ảnh hưởng đến người nhân viên ấy, ông sẵn sàng: “Hãy giải quyết với tôi, anh ấy còn đang làm việc!”. Nhân viên hoàn toàn yên tâm.

 

Không phải đợi các nhân viên đề xuất, mà chính ông ấy nghĩ ra một số quy tắc công việc, có thưởng có phạt và đi từng phòng ban lấy ý kiến. Nhưng ông ấy cũng kèm theo đó là quy tắc về những ngày nghỉ, chẳng hạn: ngày thứ 6 “đầy bọt”, khi đó, ông đi làm mang theo cái quần ngố, áo thun để hết giờ là xuống rủ những nam nhân viên đi uống bia. Cũng có thể là quy tắc về “tuần lễ thời trang”, cứ tuần cuối cùng của tháng chẳng hạn, sẽ là tuần lễ trao giải cho các cô gái, được phép mặc những bộ đẹp nhất, có thể “mát mẻ” một chút và tự trang trí phòng làm việc mỗi sáng...

 

Dĩ nhiên, không ai hoàn hảo, đặc biệt là sếp. Nhưng những điều ông ấy làm lan toả trong công ty, ra ngoài công ty. Ai cũng hỏi bạn và tò mò về ông ấy. Họ biết bạn hơn cũng vì một người sếp như thế.

 

Xây thương hiệu với nhân viên trẻ

 

Giống như Bill Gates từng “lên dây cót” cho nhân viên mình trong buổi diễn thuyết thú vị bằng cách không ngần ngại mặc comple và nhảy như một break-man trên sân khấu. Mỗi sếp chọn một cách khác nhau để tạo dựng thương hiệu cho mình.

 

Với những nhân viên trẻ, có nhiều người ấn tượng bởi sếp ngay từ lần đầu trò chuyện. Lan, nhân viên PR tâm sự: “Ông ấy không hứa hẹn với tôi bất cứ điều gì khi tôi là một nhân viên mới, mặc dù tôi có bảng thành tích đáng nể ở công ty cũ. Nhưng ông ấy bắt tay tôi, và nói rằng ông tự hào vì tôi đã chọn ông!”. Cũng những nhân viên cảm thấy tự hào khi càng ngày càng khám phá ra nhiều điểm mạnh của sếp, chẳng hạn như cách sếp ăn mặc làm cho người khác luôn ngạc nhiên và thầm khen tặng cách sếp giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc họp luôn luôn triệt để và quyết đoán, không theo kiểu chung chung hoặc “dĩ hoà vi quý” như nhiều sếp khác...

 

Rõ ràng là nhân viên trẻ luôn nhìn sếp như một tấm gương. Nếu sếp là một tấm gương thực sự sáng trong chắc chắn sẽ có những nhân viên càng giỏi. Và đáng nói hơn, họ gắn bó với công ty chỉ một phần nhỏ vì những mục đích vật chất, họ gắn bó vì người lãnh đạo, vì thương hiệu của họ nhiều hơn.

 

Theo Sinh Viên VN