1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Thương” đồng nghiệp không đúng cách

(Dân trí) - Là người cởi mở, vui vẻ, lại có tính hay giúp đỡ người khác nên Mai luôn được các đồng nghiệp cùng phòng “nhờ vả” để ... nói dối với sếp hộ khi họ có việc riêng đi ra ngoài, đến công ty muộn hay thậm chí cùng nhau đi shopping cả trong giờ làm.

Mới vào làm được chừng nửa năm, có năng lực, ăn nói khéo léo lại gần gũi với mọi người nên chẳng những được sếp quý mà Mai còn rất được lòng các anh chị đồng nghiệp trong phòng. Từ ngày có Mai, phòng nhận được khá nhiều hợp đồng nên sếp cũng ưu ái cho phòng cô hơn hẳn trước. Đồng nghiệp biết được lợi thế của Mai nên thi nhau nhờ vả cô những chuyện chẳng liên quan gì đến công việc.

 

Hồi đầu, Mai còn cảm thấy lấn cấn khi phải nói dối sếp hộ đồng nghiệp nhưng rồi cô tặc lưỡi cho qua vì nghĩ đơn giản đó là chuyện nhỏ, lại mấy khi được giúp đỡ anh chị em. Thế rồi không chỉ một, hai lần mà từ những lần đầu tiên ấy, Mai trở thành “bia đỡ đạn” cho cả phòng.

 

Giống với trường hợp của Mai, anh Nam, nhân viên lập trình của một công ty phần mềm được các đồng nghiệp tỏ ra rất quý mến vì khả năng nói đỡ cho họ mỗi khi họ có việc phải đi ra ngoài trong giờ làm, mỗi khi họ làm sai với sếp.

 

Sở dĩ anh Nam được chọn để nhờ vả chứ không phải bất cứ ai khác bởi ở công ty, anh đã thuộc bậc nhân viên “lão làng”, được sếp rất tin cậy, nhiều lúc sếp còn gọi riêng anh đi hàn huyên tâm sự và nhờ anh góp ý những vấn đề quan trọng. Tính anh Nam lại hiền lành, cả nể nên chẳng bao giờ anh muốn từ chối giúp ai điều gì. Đồng nghiệp trong phòng, đặc biệt là mấy chị, mấy cô được thể lấn tới, nổi hứng đi mua sắm hay ra ngoài ăn sáng là họ đều nhờ anh nói hộ một tiếng khi sếp hỏi thăm. Bỗng dưng, anh Nam tạo cho các đồng nghiệp một thói quen “ăn cắp” giờ công sở vô tội vạ.

 

Không những thế, là trưởng nhóm nhưng nhiều khi anh Nam phải ôm phần việc của đồng nghiệp để làm giúp cho kịp tiến độ mà không một lời trách móc, cũng vì một số người biết tính anh nên ỷ lại, chây lười, chỉ chờ “nước đến chân mới nhảy” rồi tiếp tục “ca bài” cậy nhờ anh.

 

Chỉ vì muốn giúp đỡ và tránh làm mất lòng đồng nghiệp mà Mai và anh Nam đã tự đẩy mình vào những hoàn cảnh trớ trêu. Một lần, Mai nói dối hộ cho hai chị bạn trong phòng đi gặp khách hàng nhưng thực chất là đi mua sắm mà sau đó cô bị sếp quở trách bởi chính sếp sau đó lại bắt gặp họ đang ngồi uống cà phê tán gẫu với nhau bên cạnh một đống đồ mới - thành quả của cả chiều bỏ công ty đi shopping. Sau lần ấy, chẳng cần nói ai cũng biết sếp dù vẫn quý Mai nhưng không còn đặt hết niềm tin vào cô như trước nữa. Những lần sau, khi đồng nghiệp tiếp tục nhờ vả, Mai từ chối thì họ lại cho rằng cô có được vị thế rồi nên chẳng coi ai ra gì khiến Mai rất khổ sở.

 

Còn anh Nam thì không ít lần phải đưa việc về nhà thức thâu đêm để hoàn thành hộ phần việc của người khác, các dự án vì thế mà không có kết quả được như mong đợi. Sếp biết chuyện đã gọi anh lên nhắc nhở và xem xét khả năng quản lý của anh trong nhóm. Mệt mỏi lại khiến sếp mất lòng tin, anh trách người thì ít mà trách mình thì nhiều, cũng chỉ vì tính cả nể mà anh bị đồng nghiệp lấn át, lợi dụng hết lần này đến lần khác.

 

Giúp đỡ đồng nghiệp là hành động đáng được khích lệ và cũng là cách tạo dựng mối quan hệ thân tình cũng như môi trường làm việc thêm phần hiệu quả hơn, tuy nhiên, nếu không biết cách, nhiều khi bạn còn là người “tiếp tay” cho những hành vi không đẹp của đồng nghiệp và tự đẩy mình vào nhiều rắc rối chẳng đáng có.

 

Võ Hiền