1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ

Xuân Hinh

(Dân trí) - Ngược dòng Cửu Long hơn 100km, ông Hoàng chở đầy hoa trên chiếc ghe nhỏ lên TPHCM bán ở Bến Bình Đông nhưng đã 3 ngày mà chưa bán nổi một cành mai.

Thủ phủ hoa Tết TPHCM vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ

 Thương lái biệt tích, mối quen làm ngơ

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ - 1

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết nhưng Bến Bình Đông vắng lặng lạ thường.

Hơn 10 năm gắn bó với chợ hoa xuân Bến Bình Đông (Quận 8, TPHCM), chưa năm nào ông Huỳnh Thiện Hoàng (68 tuổi, quê Bến Tre) thấy nơi đây ảm đạm như vậy. Mọi năm, những ngày này, hàng trăm tiểu thương ở khắp các tỉnh miền Tây đã đổ xô về đây với hàng ngàn loại hoa rực rỡ được chất đầy trên thuyền dưới bến.

Để chuẩn bị cho chuyến "du xuân", từ tháng 6, ông Hoàng đã tất bật chăm sóc cho 1.000 chậu hoa, gần 500 chậu mai vàng. Dù biết dịch vẫn còn phức tạp và khả năng "ế" rất cao nhưng ông vẫn quyết bám trụ vì "nghề nó ngấm vào máu rồi".

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ - 2

Ông Hoàng là chủ vườn hoa đầu tiên cho ghe cập bến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ngày chợ hoa xuân khởi động 17/1.

"Cách đây 3 ngày, khi được thông báo chợ hoa xuân "trên bến dưới thuyền" mở cửa, tôi sắp xếp hoa lên thuyền rồi ngược dòng lên thẳng đây. Tôi đang lo thành phố không cho đem hoa lên bán là coi như cả nhà mất Tết. Mừng không tả nổi khi phường gọi báo tin vui, tôi dọn hết hàng đem lên luôn", ông Hoàng tâm sự.

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ - 3

Các loại kiểng lá như lưỡi hổ, bạch mã, phát tài, sống đời... được ông bày bán trên đường Bến Vân Đồn (Quận 8) với giá chỉ vài chục ngàn đồng.

Năm nay, do giá nguyên liệu đầu vào để chăm hoa tăng nên giá các mặt hàng bán ra cũng được ông Hoàng điều chỉnh tăng khoảng 5% so với năm 2021. Những cành hoa cúc, lưỡi hổ, bạch mã, phát tài, sống đời... được bán thấp nhất với giá 30.000 đồng, những chậu mai đẹp có giá cao nhất khoảng 500 ngàn đồng.

Với mức giá bán như thế, ông Hoàng cho biết, nếu bán hết hàng thì cũng chỉ lời "chút đỉnh" vì nghề chăm hoa rất cực, "làm không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì đam mê". Tuy nhiên, sau 3 ngày có mặt tại Bến Bình Đông, thực tế khiến ông xụi lơ.

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ - 4

Vợ chồng chị Thúy mất ăn mất ngủ vì 3 ngày chưa bán được một cành mai.

"Năm nay, vì dịch bệnh nên các mối quen ở quê không ai lấy hàng, thương lái cũng chẳng xuống mua. Tôi dầm mưa dãi nắng 3 ngày trời mà số hoa kiểng vẫn còn nguyên vẹn. Mọi năm, thuyền vừa cập bến đã có khách ghé mua tấp nập còn năm nay chỉ có 1-2 khách đến hỏi giá rồi... đi", ông Hoàng thở dài.

"Năm qua ai cũng khổ, tôi chẳng dám mong lời"

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ - 5

Năm nay, gia đình ông Hoàng chỉ mong lấy lại vốn chứ không dám tính chuyện lời lãi.

Chị Bùi Trang Phương Thúy (35 tuổi, con dâu ông Hoàng) cho biết, thời điểm này hằng năm, sạp chị có thể bán được ít nhất 10 cây mai vàng/ngày hoặc hơn, nhưng năm nay thì "ế thê thảm". 

"Vì dịch không bán được gì nên mai hiện toàn là hàng tuyển, rất đẹp, lại còn giảm giá. Cả năm nay thất thu, để hàng ở quê tiếp cũng phí nên chúng tôi mang lên thành phố với hy vọng bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu", chị Thúy nói.

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ - 6

Mọi năm, sạp ông Hoàng - chị Thúy có thể bán được ít nhất 10 cây mai vàng/ngày.

Tình hình buôn bán không khả quan, ông Hoàng lên kế hoạch thuê ghe xuôi dòng về quê đón Tết sớm. Dự kiến, 29 Tết ông sẽ về quê để đón giao thừa cùng gia đình vì nhiều năm nay ông "lo làm ăn quá nên quên".

"Phải ráng bán cho hết vì chở hàng về quê rất tốn kém chi phí và công chăm sóc lại từ đầu. Tiền bạc hao hụt cũng được vì mình còn sống thì còn làm ra tiền. Năm qua ai cũng khổ nên giờ tôi không dám mong lời, chỉ cần lấy lại vốn là mừng dữ lắm rồi!" 

Thủ phủ hoa Tết bến Bình Đông vắng khách, tiểu thương mất ăn mất ngủ - 7

Chị Thúy nối nghiệp cha tiếp tục theo nghề bán hoa dịp Tết.

Dù đã trải qua một năm đầy khó khăn nhưng ông Hoàng cho biết, sang năm ông vẫn tiếp tục trồng hoa vì công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với người có tuổi như ông.

"Ở quê tôi chỉ có miếng đất nhỏ trồng hoa kiếm sống. Tôi không thể bỏ nghề. Con cái tôi ngày xưa làm thuê ở thành phố, nhưng không đủ sống nên nay cũng về quê nối nghiệp cha mẹ", chủ vườn hoa bộc bạch.

Năm nay, chợ hoa trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé tuyến đường Bến Bình Đông tổ chức từ ngày 17-31/1. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra từ 27-30/1 trên tuyến đường Bến Bình Đông (từ đường Đinh Hòa đến đường Nguyễn Chế Nghĩa) và tuyến đường Nguyễn Văn Của (Quận 8, TPHCM).