Đắk Lắk:
Thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng từ làng nghề miến ở phố núi
(Dân trí) - Chuyển từ trồng cà phê, hồ tiêu sang nghề làm miến khô, hàng chục hộ dân tại làng miến Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã xây dựng được thương hiệu, mang lại mức thu nhập cao.
Sau Tết Nguyên đán, làng nghề miến khô tại phường Khánh Xuân vẫn tấp nập sản xuất. Khoảng 50 hộ dân vẫn đều đặn sản xuất hàng, tiếng máy ép miến, tiếng quạt động cơ phơi miến rầm rập cả ngày lẫn đêm.
Với kinh nghiệm làm miến 18 năm, chị Hoàng Thị Luyến (39 tuổi) cho biết, trước đây gia đình sống bằng nghề trồng cà phê, hồ tiêu nhưng có mức thu nhập bấp bênh nên quyết định chuyển sang làm miến khô.
Thời gian đầu, các công đoạn làm miến đều được làm thủ công, từ ngâm gạo, xay bột đến máy ép miến phải sử dụng máy móc thô sơ và cần nhiều sức người. Trong đó, công đoạn phơi khô là vất vả và tốn nhiều công nhất.
"Miến được phơi ở sân nhà, nếu có cơn mưa là cả gia đình phải chạy ào ra gom miến hoặc dùng nilon phủ lên trên. Miến ướt nước sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng nên phải chăm chút từng chút một" - chị Luyến chia sẻ.
Sau nhiều năm làm nghề, khi miến của vùng Chi Lăng bắt đầu có thương hiệu, được nhiều nơi biết đến. Gia đình chị Luyến bỏ chi phí đầu tư máy móc hiện đại hơn và làm nhà lồng phơi miến vừa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa đỡ công sức.
Đến nay, mỗi ngày trung bình chị Luyến làm khoảng 3 tạ gạo, riêng những ngày giáp Tết máy móc của gia đình chị hoạt động hết công suất để làm khoảng 5 tạ gạo/ngày.
"Những ngày giáp Tết đơn hàng nhiều đến nỗi không kịp giao cho khách, các công nhân rất vất vả làm quần quật từ ép miến, phơi, đóng gói... để đảm bảo đơn hàng. Làm miến thời điểm sau Tết sẽ nhàn hơn rất nhiều" - chị Luyến cho hay.
Với việc phát triển nghề miến đã giúp cho gia đình chị Luyến thu lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày. Từ nghề làm miến, gia đình chị đã giúp từ 5 - 7 lao động ở địa phương có mức thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng.
Về khó khăn của nghề làm miến, theo chị Luyến nếu sản phẩm được giới thiệu rộng rãi, đầu ra được đảm bảo ắt sẽ phát triển thêm quy mô sản xuất và giải quyết việc làm được cho rất nhiều lao động tại chỗ.
Còn hộ gia đình bà Hoàng Dẻo (50 tuổi, chủ cơ sở Bún phở khô Phương Nam), là một trong những hộ sản xuất miến lâu năm nhất trong vùng.
Cơ sở của bà Dẻo không chỉ làm miến mà còn đầu tư máy móc làm phở khô. Các khâu làm miến và phở đều được gia đình bà chuẩn bị kỹ lưỡng để đem lại chất lượng sản phẩm tốt nhất.
"Làm miến rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu mới cho sợi miến chất lượng nhất, làm miến như "chăm con mọn" vậy. Tuy nhiên, cũng nhờ làm miến mà gia đình tôi có mức thu nhập khá ổn định" - bà Dẻo vui vẻ nói.
Để tiết kiệm nhân công, gia đình bà Dẻo huy động cả con cái và các cháu trong dòng họ cùng làm nghề. Mỗi người phụ trách mỗi công đoạn do vậy việc làm miến gặp nhiều thuận lợi.
Từ làm miến, gia đình bà Dẻo lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Từ nguồn lãi, gia đình bà Dẻo liên tục nâng cấp máy móc, quy mô của cơ sở, lắp đặt cả hệ thống điện mặt trời để cung ứng nguồn điện sản xuất miến.
Trao đổi PV, chị Nguyễn Thị Hạnh (một công nhân chuyên làm miến) chia sẻ: "Trước đây tôi làm nghề buôn bán rau ở chợ thu nhập rất bấp bênh. Qua người giới thiệu tôi xin vào cơ sở sản xuất miến nên có được mức thu nhập ổn định. Không chỉ vậy tôi cũng được học nghề dần và mong muốn sắp tới gia đình mình cũng phát triển được nghề truyền thống này".
Ông Phạm Văn Tiến - Cán bộ Nông nghiệp, Phường Khánh Xuân cho biết, vừa qua địa phương đã trình hồ sơ cho TP Buôn Ma Thuột đăng ký sản phẩm OCOP cho miến khô và trực tiếp giới thiệu cho nhiều đơn vị để có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
"Sản phẩm miến Chi Lăng đã được đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc, sản phẩm chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần khẳng định thương hiệu. Nhiều năm qua, hợp tác xã làm miến đã giúp cho hàng chục hộ dân có được mức thu nhập ổn định, nhiều người có việc làm ổn định góp phần phát triển kinh tế của địa phương", ông Tiến thông tin.