Thu nhập hàng chục triệu "biến mất" vì Covid-19, đầu bếp quán nhậu đi làm xe ôm
Liên tiếp trải qua những "trận đánh úp" của Covid-19, từ một đầu bếp với lương tháng từ 15-20 triệu đồng/tháng, giờ đây, anh Kiên phải đi làm xe ôm.
Ngồi trước căn phòng trọ rộng chừng 30m2, anh Lương Trung Kiên (sinh năm 1984, quê Phú Thọ) cẩn thận lau từng chiếc thanh inox của chiếc vợt chao dầu công nghiệp đã bám bụi với vẻ tiếc nuối.
Anh đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đứng bếp, quản lý cả một đội ngũ phụ bếp, phục vụ bàn, đảm đương điều hành cả một gian bếp phục cụ hàng trăm khách hàng mỗi ngày.
Xuống Hà Nội làm thuê từ khi mới học hết lớp 9, khi mới 16 tuổi, anh Kiên đã trải qua hàng chục công việc lớn nhỏ. Từ phụ việc tại lò bánh bao với mức lương 300.000 đồng/tháng đến nhân viên phục vụ bàn, phụ bếp rồi đứng bếp chính.
"Để đứng bếp chính, tôi phải mất 2 năm trời đi phụ bếp không công để học hỏi kinh nghiệm đứng bếp. Luyện đi luyện lại những kỹ năng cơ bản như cầm dao, luộc trứng, bóc tỏi đến những món ăn, món nhậu đơn giản hay phức tạp. Chỉ cần một sơ suất rất nhỏ thì sẽ phải đánh đổi rất nhiều tiền hoặc cả sự nghiệp…", anh Kiên nói.
Luôn làm việc cường độ cao với tinh thần học hỏi và khả năng chịu áp lực tốt, từ mức lương 0 đồng trong suốt 2 năm, anh Kiên đã được đứng bếp chính với mức lương 5.000.000 đồng/tháng rồi bắt đầu có được chỗ đứng khá vững chắc trong nghề đầu bếp.
Có tay nghề, vừa làm đầu bếp, với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng, anh Kiên còn nhận set up nhà hàng, quán ăn hoặc hướng dẫn một số quán ăn nhỏ các món ăn cơ bản khi người quen, bạn bè tiến hành mở quán ăn, nhà hàng mới.
Tháng 5/2018, anh Kiên đảm nhận vai trò điều hành cả căn bếp của một nhà hàng tại phố Bà Triệu. Là người quyết định thực đơn hàng ngày của nhà hàng, nắm bắt toàn bộ thực phẩm của gian bếp, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ đội ngũ nhân viên phụ bếp, phục vụ…
"Nhà hàng ngày một đông khách do chủ yếu phục vụ các món nhậu. Do tôi nhận khoán cả căn bếp nên áp lực rất lớn. Hầu như hôm nào cũng phải thức khuya, dậy sớm, chuẩn bị mọi thứ từ A đến Z. 5 giờ sáng phải thức dậy để bắt đầu công việc nhưng phải tất bật đến 11 giờ đêm vẫn chưa hết việc", anh Kiên chia sẻ.
Gần 20 năm làm nghề nấu ăn, anh Kiên dự tính sang năm 2020 sẽ tự đứng ra mở một quán nhậu chuyên phục vụ các món ăn là đặc sản núi rừng thì Covid-19 ập tới. Hàng loạt hệ thống nhà hàng lao đao, không thể cầm cự và phá sản.
"Cứ nghĩ dịch bệnh vài tháng sẽ hết nên sau khi tạm nghỉ tại nhà hàng hơn 1 tháng, tôi gác lại dự định mở nhà hàng sang một bên, tận dụng thời gian rảnh rỗi để về quê xây nhà", anh Kiên cho biết.
Tuy nhiên, sau khi ngôi nhà ở quê hoàn thiện thì dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Các nhà hàng, quán ăn vẫn cửa đóng then cài hoặc làm ăn lẹt đẹt, thu không bằng chi và không tuyển thêm người mới.
Số tiền tích lũy ngày một cạn đi, mọi chi tiêu của gia đình 4 vợ chồng con cái từ trước đến nay đều do anh Kiên một mình gánh vác. Không xin được việc mới cũng không thể mở nhà hàng vào thời điểm dịch bệnh phức tạp nên anh Kiên quyết định xin đi làm xe ôm.
"Tôi nghĩ làm xe ôm chỉ là công việc tạm thời, thu nhập không nhiều nhưng còn hơn là ở nhà. Đang bận luôn tay luôn chân mà bảo ngồi chơi xơi nước thì bí bách lắm. Đi làm thế này còn được đồng ra đồng vào, đỡ sốt ruột", anh Kiên cho biết.
Ngày đi làm xe ôm thu nhập chỉ từ 200-300.000 đồng ngày, thậm chí có ngày ngồi mãi không thấy "nổ" cuốc nào, thu nhập bị giảm đi 2/3 nhưng với anh Kiên, đây chỉ là thời gian thử thách, tạm nghỉ để chuẩn bị tốt hơn cho thời gian tới.
"Đợt này dịch bệnh có vẻ yên ổn hơn chút rồi. Tôi vừa đi làm xe ôm, vừa nhìn ngắm xem mặt bằng khu nào rẻ, phù hợp để sắp tới sẽ mở nhà hàng, tiếp tục công việc đầu bếp mà mình theo đuổi suốt bao năm qua", anh Kiên nói.