Thôi việc để làm ở đơn vị mới có cần quyết định chuyển công tác?
Bà Nguyễn Thị Thư hiện công tác tại một Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước. Vừa qua bà Thư làm đơn xin thôi việc để chuyển công tác đến 1 đơn vị sự nghiệp công lập và đã được lãnh đạo Công ty đồng ý.
Nghỉ việc để chuyển công tác, thủ tục thế nào? Khi chuyển công tác phải làm thủ tục chốt sổ...
Bà Thư có nguyện vọng được Công ty cũ làm thủ tục chuyển công tác để có thể tiếp tục hưởng các chế độ khi sang đơn vị mới. Vậy, Công ty có được ra Quyết định chuyển công tác với bà Thư không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động , hợp đồng lao động (HĐLĐ) được chấm dứt khi người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận chấm dứt HĐLĐ.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Thư có đơn xin thôi việc, đã được lãnh đạo Công ty ký đồng ý, đồng nghĩa với việc hai bên gồm người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận việc chấm dứt HĐLĐ. Giám đốc Công ty có thể ra Quyết định chấm dứt HĐLĐ; hoặc cùng người lao động ký Biên bản chấm dứt HĐLĐ.
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động, khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này (trong đó có việc hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên (như thanh toán tiền lương, giải quyết trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật Lao động); người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Kể từ ngày 1/1/1995, khi Bộ luật Lao động năm 1994 (Bộ luật Lao động đầu tiên của nước ta) có hiệu lực, pháp luật về lao động không còn quy định khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp này, đến làm việc ở doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước khác phải có Đơn xin chuyển công tác cùng xác nhận của đơn vị tiếp nhận, để doanh nghiệp ra Quyết định chuyển công tác cho người lao động.
Tuy nhiên, nếu bà Thư cần các thủ tục đó theo yêu cầu của đơn vị mới thì Công ty có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà Thư tìm công việc mới, nhưng vẫn phải đảm bảo các quyền lợi của người lao động khi thôi việc quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động.
Sau khi chấm dứt HĐLĐ với Công ty, bà Thư có thể giao kết HĐLĐ, hoặc thi tuyển, xét tuyển viên chức với đơn vị sự nghiệp công lập mà không cần thiết phải có Quyết định chuyển công tác.
Nếu bà Thư thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức, ký kết hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
Nếu bà Thư giao kết HĐLĐ với đơn vị sự nghiệp, thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và Nghị định số Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Theo Chinhphu.vn
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.