1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thời đại siêu mẫu - doanh nhân

Bên cạnh từ “entrepreneur” (người khởi sự doanh nghiệp), giờ đây trong thế giới kinh doanh lại xuất hiện từ “modelpreneur”, chỉ những người mẫu chuyển nghề làm kinh doanh. Tuy nhiên, để thành công thì việc sở hữu một khuôn mặt xinh đẹp hay thân hình quyến rũ vẫn chưa đủ.

Lẽ tự nhiên nghề người mẫu có tuổi thọ rất ngắn. Ngày nay các cô nàng nào mơ ước bước trên sàn catwalk có thể khởi nghiệp từ rất sớm, 16 tuổi hay có khi chỉ 13-14 tuổi. Nhưng nếu không tự tạo được tên tuổi hay thương hiệu cho mình, sự nghiệp của một người mẫu kéo dài không quá một mùa diễn.

Còn đối với những người mẫu lọt được vào mắt xanh của những nhà thiết kế tên tuổi và ban biên tập của Tạp chí thời trang Vogue danh tiếng thì có thể kiếm được hợp đồng quảng cáo mỹ phẩm hay trang phục trong 2-3 năm. Chỉ những siêu mẫu như Kate Moss, Tyra Banks, Heidi Klum... mới có thể kéo dài sự nghiệp sau độ tuổi 30.

Tuy nhiên, theo quy luật đào thải khắc nghiệt của nghề người mẫu, không chóng thì chầy, đến một lúc nào đó những "chân dài" này phải giã từ sàn diễn lung linh ánh đèn. Vậy họ sẽ làm gì?

Những cô nàng thông minh sẽ tìm cách làm "dày" thêm tài khoản ngân hàng bằng việc trang bị cho mình cái mác "diễn viên", "nhà thiết kế" hay "người dẫn chương trình truyền hình". Theo I.Bart, Phó tổng giám đốc Công ty IMG Models (hãng đại diện cho siêu mẫu Bundchen và Klum), diễn viên hay người mẫu, nghề gì cũng được, miễn nó giúp người đó thu lợi từ những chuyện khác. "Chúng ta đang ở trong thời đại doanh nhân", ông nhấn mạnh.

Như vậy, hướng đi đã có sẵn, nhưng có một khuôn mặt đẹp vẫn chưa đủ. Các hãng mỹ phẩm thường muốn có những diễn viên đoạt giải Oscar, một gương mặt được công chúng thừa nhận và biết đến như Halle Berry và Susan Sarandon chẳng hạn, để đại diện cho mình.

Thế nhưng làm diễn viên cũng không phải là chuyện dễ dàng. Dù diễn xuất luôn là một sự lựa chọn dự phòng của nhiều người mẫu, nhưng hầu hết họ đều kết thúc với những vai diễn không lời, vô thưởng vô phạt, hay nói đúng hơn là chỉ đóng vai những bình hoa di động! Trong trường hợp nhận được vai chính, kết cục thường chẳng hay ho gì cho lắm.

Đơn cử trường hợp của siêu mẫu Cindy Crawford với vai chính trong phim Fair Game. Nếu có trường hợp hiếm hoi là phim được nhiều người đón nhận, cát-xê thường thấp hơn nhiều so với lúc họ còn lả lướt trên sàn catwalk.

Một trong những siêu mẫu chuyển thành doanh nhân thành công nhất là Kathy Ireland. Gương mặt cô xuất hiện trên mỗi ấn bản áo tắm hằng năm của tờ Sports Illustrated's từ 1984-1994. Sau khi từ giã sàn diễn, Ireland đã bộc lộ khả năng kinh doanh nhạy bén của mình.

Mặc dù trước đó cũng kiếm được kha khá khi kinh doanh lịch in hình mình và catalogue do chính mình làm mẫu, cô đã “trúng” lớn khi tạo ra nhãn hiệu thời trang mang tên Kathy Ireland Worldwide và bán quyền kinh doanh tên tuổi và hình ảnh cho 16 nhà sản xuất tại 50.000 địa điểm ở 15 quốc gia trên thế giới. Năm 2005, Ireland đã bỏ túi ít nhất 10 triệu USD lãi ròng từ doanh số bán lẻ ước đạt 1,4 tỷ USD.

Một trường hợp khác là người đẹp Gisele Bundchen đến từ xứ sở samba. Trong suốt 4 năm liền, không một siêu mẫu nào qua mặt được Bundchen về khoản thu nhập kếch xù thông qua các hợp đồng quảng cáo khổng lồ: 15,2 triệu USD trong năm 2005.

Ngoài hợp đồng quảng cáo với hãng đồ lót Victoria's Secret, Gisele còn cho phép một hãng giày thời trang của Brazil dùng tên tuổi của mình để phục vụ việc kinh doanh và lấy sơ sơ... 6 triệu USD tiền phần trăm trên doanh thu.

Một gương mặt nóng bỏng khác của Sports Illustrated's là Elle MacPherson lại có hẳn một nhãn hiệu đồ lót mang tên cô được bán tại 14 quốc gia. Với doanh thu hằng năm ở mức 75 triệu USD, Elle thu về tròm trèm 5 triệu USD/năm. Như vậy, có thể thấy một số người mẫu không chỉ có nhan sắc mà còn thể hiện tài năng kinh doanh không thua kém các đấng mày râu.

Theo Thanh Niên