1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Thổi còi” đồng nghiệp

(Dân trí) - Đôi khi, bạn tình cờ biết được đồng nghiệp của mình có những hành vi sai trái, dối trá, thậm chí phạm pháp trong công việc. Nên im lặng hay tố giác? Góp ý riêng hay ngấm ngầm chỉ trích? Để có quyết định đúng đắn, quả không dễ chút nào?

Rõ ràng, sai phạm của đồng nghiệp càng lớn thì việc “thổi còi” càng khó khăn. Bạn có thể áp dụng một số nguyên tắc sau:

 

Không nên nói khi

 

Đó là một sai phạm nhỏ, không ảnh hưởng đến ai, và bạn cũng chẳng có dính dáng gì. Nói cách khác, việc làm sai trái đó không thuộc trách nhiệm của bạn.

 

Bạn biết hậu quả mà hành vi sai trái đó đem lại là không đáng kể.

 

Hành vi thiếu chân thật đó có thể đem lại kết quả tích cực hơn là tiêu cực

 

Nên nói khi

 

Bạn chắc chắn rằng sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động đến bạn, người khác và cả công ty.

 

Bạn cảm thấy không tố giác là có lỗi với mọi người và chính lương tâm của mình.

 

Hành vi đó vi phạm pháp luật

 

Và một khi bạn đã quyết định lên tiếng, hãy nghe những lời khuyên sau:

Những thuận lợi và trở ngại khi tố giác

 

Trước hết đó là sự ảnh hưởng đến lòng tin và rạn nứt tình đồng nghiệp. Rất có thể, việc làm tốt đẹp của bạn sẽ bị hiểu là tư lợi cá nhân hoặc đấu đá nội bộ. Thậm chí, các đồng nghiệp khác cũng cảnh giác với bạn hơn.

 

Nếu bạn có ý định kín đáo “mách” với sếp nhưng lại bị bại lộ, rất có thể bạn sẽ bị coi là “kẻ chỉ điểm”. Hãy chuẩn bị tinh thần để có kẻ thù, và đây chắc chắn là một đối thủ không “dễ xơi” chút nào.

 

Tuy nhiên, theo chiều hướng tích cực thì hành động này có thể giúp bạn giành được sự tin tưởng và ưu ái hơn từ sếp.

 

Nên nói thế nào?

 

1. Thu thập chứng cứ: Không có bằng chứng thì không ai tin lời bạn nói. Phải có đủ “vũ khí” để tự bảo về quan điểm và lời nói của mình.

 

2. Cất giữ chứng cứ một cách kín đáo. Nhiều người “thổi còi” không chịu “giữ mồm giữ miệng”, thế nên có khi việc tố giác chưa kịp thực hiện thì kẻ bị tố giác đã biết rồi và kịp thời tẩu tán chứng cứ phạm tội.

 

3. Chờ thời cơ đến là lên tiếng ngay, đừng chần chừ vì nếu không sẽ có người đặt câu hỏi: “Tại sao bạn không đưa vấn đề này ra ánh sáng sớm hơn?”. Hãy coi chừng, câu này khó trả lời đấy.

 

4. Đừng đưa nhiều yếu tố chủ quan vào lời kết tội. Nếu bạn cố gắng phân tích nhận xét quá nhiều, mọi người sẽ nghĩ chắc bạn có tư thù cá nhân gì đây (chẳng hạn bạn muốn hạ đối thủ thật nhanh để ngồi vào chiếc ghế của anh ta).

 

5. Hãy giữ vững bản lĩnh: Khi bạn có ý định góp ý riêng với người phạm sai lầm, rất có thể bạn sẽ bị người đó lôi kéo vào việc làm sai trái đó, thậm chí mua chuộc bạn bằng những đồng tiền không chính đáng. Cẩn thận đấy, nếu bạn sơ sẩy, bạn đã chính thức trở thành đồng minh của kẻ phạm tội rồi.

 

Quốc Hưng

Theo Askmen