Thoát nghèo bằng "thần dược" cho quý ông
(Dân trí) - Qua khảo sát, chính quyền địa phương tại Quảng Bình đã đưa cây ba kích về trồng dưới tán rừng của đồng bào Mã Liềng, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Nhằm giúp đồng bào Mã Liềng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, cùng người dân tại xã Lâm Hóa trồng 3ha cây ba kích và dổi dưới tán rừng cộng đồng.
Khu vực trồng ba kích và dổi là khu rừng cộng đồng nằm bên bờ sông Gianh, có diện tích 6ha, đang được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Khu rừng có trữ lượng gỗ lớn, độ ẩm cao, độ dốc vừa phải và có nhiều loại cây dây leo mọc. Sau 18 tháng trồng và chăm sóc, cây ba kích, dổi đã bắt đầu phát triển, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.
Theo ông Đinh Xuân Thường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuyên Hóa, để mô hình triển khai thành công, huyện này đã tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia trồng ba kích và dổi; trích 200 triệu đồng thuê công ty chuyên cung cấp giống cây lâm nghiệp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết thu mua sản phẩm cho bà con.
Cây trồng ở xã Lâm Hóa là ba kích tím, được mua từ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Loại ba kích này có hàm lượng sâm, tính dược liệu, giá trị kinh tế cao. Tham gia trồng và chăm sóc rừng ba kích, dổi có 9 hộ đồng bào Mã Liềng ở bản Cáo, xã Lâm Hóa. Khi tham gia trồng, bà con được hỗ trợ toàn bộ 6.000 cây giống ba kích, 1.200 cây dổi, hướng dẫn kỹ thuật, chi phí phân bón, làm hàng rào và công trồng ban đầu.
Được biết, mỗi gốc ba kích sau 5 năm trồng sẽ cho năng suất khoảng 1kg củ. Loại ba kích này hiện có giá trên thị trường khoảng 500 nghìn đồng/kg. Như vậy, 3ha trồng ba kích (3.000 hố trồng) tại bản Cáo sẽ cho 3 tấn củ và dự kiến mang lại thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng cho bà con.
Ngoài ra, 1.200 cây dổi sau 7 năm sẽ cho thu hoạch quả. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch 2kg quả/năm, mỗi kg có giá 500 nghìn đồng, 1.200 cây dổi nếu phát triển tốt sẽ cho bà con thu nhập thêm khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.
Theo ông Phạm Văn Lợi, trú tại bản Cáo, xã Lâm Hóa, một trong 9 hộ tham gia mô hình trồng ba kích và dổi, kỹ thuật trồng, chăm sóc ba kích, dổi không quá khó, nhưng người dân phải kiên trì, theo dõi để phát thực bì, vun gốc, cuốc cỏ, bón phân định kỳ. Khoảng một năm thì làm giàn cho cây ba kích leo.
"Dân bản được tư vấn, hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng ba kích, dổi. Huyện cũng hứa sẽ có công ty thu mua hết khi thu hoạch nên tôi đã đứng ra trồng. Hy vọng thời gian tới, rừng ba kích, dổi sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình tôi cũng như bà con trong bản", ông Lợi nói.
Cũng như ông Lợi, thời điểm ban đầu, gia đình ông Phạm Văn Thiên, một người dân ở bản Cáo cũng không biết cây ba kích như thế nào, kỹ thuật trồng ra sao. Nhưng khi cán bộ huyện, xã tuyên truyền, giải thích lợi ích trồng cây ba kích, dổi nên gia đình ông cũng theo trồng.
"Thấy ba kích và cây dổi phát triển tốt dưới tán rừng cộng đồng, chúng tôi phấn khởi lắm. Không chỉ quyết tâm chăm sóc cây ba kích và cây dổi, chúng tôi sẽ chăm sóc, giữ rừng thật nghiêm ngặt... Từ khi trồng ba kích và dổi, bà con trong bản không còn phát nương làm rẫy. Giờ ai cũng có cuộc sống định cư, tham gia trồng rừng và phát triển mô hình kinh tế từ rừng", ông Thiên nói.
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đánh giá, việc trồng ba kích, dổi dưới tán rừng cộng đồng không chỉ góp phần vào việc bảo vệ nguồn dược liệu quý mà còn giúp nông dân thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng.
Việc này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn. Thời gian tới, chi cục sẽ tiến hành khảo sát, hỗ trợ để nhân rộng các mô hình sinh kế dưới tán rừng, nhằm giúp bà con vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng hiệu quả.
Ba kích còn có tên là dây ruột gà, ba kích thiên, tên khoa học là Morinda officinalis stow. Một số bộ phận của cây được sử dụng làm dược liệu chữa các bệnh phong thấp, giảm huyết áp, bổ dương. Người âm hư, hỏa thịnh, táo bón cấm dùng. Một số món ăn cũng sử dụng ba kích làm nguyên liệu chế biến như thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe sinh dục cho nam giới.