Thiếu lao động sau Tết: “Đến hẹn lại lên”

Chưa hết khó khăn do thiếu vốn và đầu ra cho sản phẩm, những ngày làm việc đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Thìn, nhiều doanh nghiệp (DN) lại phấp phỏng âu lo công nhân "nhảy việc", bỏ việc hàng loạt.

Thiếu lao động sau Tết: “Đến hẹn lại lên” - 1
Tình trạng lao động nghỉ việc hoặc "nhảy việc" sau thời gian nghỉ Tết đã thành lệ nhiều năm nay (ảnh minh họa).
 
Thấp thỏm lo thiếu công nhân

 

Chứng kiến cảnh "ông bạn" làm chủ một DN da giầy có 500 công nhân mà sau kỳ nghỉ Tết chỉ có 100 lao động đi làm trở lại đúng ngày giờ quy định - ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng (Bình Dương) thấy… choáng! Vẫn biết tình trạng lao động nghỉ việc hoặc "nhảy việc" sau thời gian nghỉ Tết đã thành lệ nhiều năm nay, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, nhưng nghỉ đồng loạt cùng một thời điểm như vậy thì DN chỉ có nước… đóng cửa hoặc phải chịu phạt vì chậm hợp đồng để chờ tuyển thêm.

 

Năm 2011, mặc dù tình hình kinh doanh giảm sút nhưng để giữ chân người lao động, Công ty Nghệ Năng vẫn tăng lương 4 lần vậy mà vẫn không thoát. Về phần mình, trong bối cảnh khó khăn của năm nay, giải pháp được Giám đốc Lưu Trí tập trung thực hiện đó là tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó là một giải pháp mang tính đột phá: Thành lập Công ty CP quạt Việt Nam (IFAN).

 

Ông Trí tiết lộ, với mô hình công ty cổ phần, mỗi công nhân sẽ được sở hữu từ 10 - 30 triệu cổ phần. "Bằng cách này, người công nhân thấy yên tâm và muốn gắn bó lâu dài hơn với công ty" - ông Trí hồ hởi khoe.

 

Ở Công ty TNHH Hòa An (Hải Dương), từ trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Thìn, thông báo tăng lương đã được gửi tới toàn bộ cán bộ công nhân viên. Theo Giám đốc Nguyễn Đức Hồi, nếu DN có các chính sách xã hội tốt trước và sau Tết, tỷ lệ công nhân nghỉ việc chắc chắn sẽ giảm.

 

Tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) Hà Nội, theo ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý KCN - KCX Hà Nội, tính đến thời điểm này, tỷ lệ công nhân đi làm trở lại sau Tết đã đạt 90 - 92%, có DN đạt tỷ lệ 100%. Kết quả này có được là nhờ các DN, tổ chức công đoàn đã có chế độ thưởng và tặng quà từ trước Tết để động viên người lao động.

 

Được biết, mức thưởng Tết năm nay của các DN trong KCN - KCX Hà Nội cao nhất là 3 tháng lương (lương tối thiểu vùng I hiện là 2 triệu đồng/tháng), thấp nhất là 1 tháng lương.  Dù vậy, vẫn có công nhân vẫn bỏ việc ở một vài công ty. Lý do là phần đông người lao động làm việc tại các KCN - KCX ở quê xa, tàu xe đi lại sau Tết khó khăn nên thường đi làm muộn hoặc tính ở lại quê xin việc khác.

 

Để công nhân an tâm đi làm trở lại sau Tết, nên chăng các DN có thể thuê xe để đón công nhân, hoặc có kế hoạch tuyển dụng lao động tại địa phương/vùng phụ cận để bớt đi nỗi lo canh cánh trong thời điểm này hàng năm.

 

Năm mới, nỗi lo cũ

 

Cùng với nỗi lo lao động "nhảy việc", nghỉ việc, sau Tết các DN trở lại với bài toán vốn và đầu ra cho sản xuất. Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Hà Văn Phú, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Hùng Vương (Bắc Kạn) cho biết: "Cho đến nay vốn và đầu ra vẫn là bài toán đau đầu nhất đối với các DN".

 

Ông Phú thú thực, chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ tới các DN xây dựng, hiện công ty vẫn chưa nhận được thêm dự án mới, nhờ còn một số dự án xây sửa cầu đường từ các năm trước đang trong thời gian hoàn thiện nên công nhân có việc làm. Trong khi đó, giá nhân công có xu hướng tăng, năm vừa rồi công ty đã tăng lương 30%, nếu năm nay tiếp tục giữ đà tăng như vậy sẽ là gánh nặng rất lớn cho DN.

 

Các DN hy vọng, năm 2012 mặt bằng lãi suất sẽ đi xuống như lời cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cùng với đó, tỷ giá giữ được mức ổn định. Quy định là 1 USD "ăn" không quá 21.000 đồng nhưng thực tế vẫn cao hơn quy định từ 2 - 3%, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Lãi suất cho vay có giảm, tỷ giá có ổn định thì các DN mới yên tâm sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm và chăm lo chu đáo đời sống người lao động.

 

 Sau Tết khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch là những tháng cao điểm hàng năm thường diễn ra những cuộc đình công, bãi công của người lao động tại các KCN - KCX. Nếu DN không có chế độ lương thưởng hợp lý thì khó tránh khỏi những vụ "lình xình" - Ông Ngô Chí Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý các KCN - KCX Hà Nội.

 

Theo Trang Anh

KTĐT