Thêm ưu đãi cho lao động về nước đúng hạn

Thay vì chi trả mỗi năm 1 tháng lương tại Hàn Quốc, từ ngày 19/7, phía Hàn Quốc sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc tại Việt Nam cho lao động Việt Nam về nước đúng hạn và xuất cảnh ở Hàn Quốc trong vòng 14 ngày.

Sau 6 tháng thực hiện "Biên bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam" trong khuôn khổ Chương trình cấp phép việc làm cho lao động xuất khẩu của Hàn Quốc (EPS) được ký kết ngày 31/12/2013, đến nay tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đã bước đầu có sự chuyển biến. Cùng với sự nỗ lực của Việt Nam, phía Hàn Quốc đã sửa Luật Tuyển dụng đối với lao động nước ngoài, trong đó có việc sửa đổi cách thức chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Cụ thể, thay vì chi trả mỗi năm 1 tháng lương tại Hàn Quốc, từ ngày 19/7, phía Hàn Quốc sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc tại Việt Nam cho người lao động Việt Nam về nước đúng hạn và xuất cảnh ở Hàn Quốc trong vòng 14 ngày. Điều này sẽ khuyến khích lao động về nước đúng thời hạn để được hưởng đầy đủ các chế độ.

Theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), 6 tháng đầu năm, số lao động Việt Nam được các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp đồng lao động lên tới hơn 5.000 người, trong đó, lao động mới đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn là 3.570 người; lao động về nước đúng hạn sau khi hết hạn hợp đồng, đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn là 1.450 người.

Ngoài ra, số lao động trung thành, mẫu mực sau khi hết hạn hợp đồng về nước qua Trung tâm Lao động ngoài nước đăng ký là trên 200 người, trong đó có 177 lao động đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương có nhiều lao động hết hạn hợp đồng trong năm 2014 như Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Long... đã triển khai các biện pháp vận động, tuyên truyền lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn.

Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc cũng phối hợp với Ban Quản lý lao động tại Hàn Quốc tổ chức tư vấn, vận động người lao động về nước. Đây là hoạt động được tổ chức tương đối liên tục, thường xuyên, có hiệu ứng nhất định đối với số lao động sẽ hết hạn hợp đồng về nước trong 6 tháng cuối năm 2014.

Theo thông tin của Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014 có giảm nhưng chưa bền vững.

Từ tháng 4 đến tháng 6/2014, số lao động này vẫn xấp xỉ 39-40%. Trước đó, tháng 12/2013, có lúc số lao động này giảm xuống dưới 40% nhưng tháng 2-3/2014, tỷ lệ này tăng lên 40-42%.

Để thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, ngoài tuyên truyền, vận động, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước đã và đang phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc tiến hành lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với những người cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng.

Tại cuộc họp bàn các giải pháp hạn chế lao động bỏ trốn do TP. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình tổ chức vừa qua, ông Choi Byung Gie, Giám đốc Trung tâm EPS Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, thực tế các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã biết rõ việc xử lý vi phạm hành chính nếu tiếp tục bỏ trốn nhưng họ đang chờ xem có ai bị xử lý vi phạm hay không.

Thậm chí, nhiều lao động chấp nhận bị xử phạt, vì với mức lương 1.500 USD/tháng (tương đương khoảng 30 triệu đồng) thì chỉ sau 3 tháng làm việc, họ có thể bù lại được số tiền bị phạt. Chính vì vậy, phía Việt Nam cần xử lý kiên quyết hơn với những vi phạm của lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp.

Hiện nay, nhiều người lao động vẫn chưa ý thức được nguy cơ Hàn Quốc đóng cửa thị trường lao động. Vì vậy, bản thân người lao động chưa có trách nhiệm và nhận thấy việc bỏ trốn của mình sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ hội của những lao động khác và làm mất đi một thị trường nhiều tiềm năng.

Đây cũng là "hồi chuông cảnh báo" chính quyền các địa phương (từ cấp quận, huyện, xã, phường) cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện nghiêm chỉnh tinh thần Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thì mới có thể giảm số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30%, đáp ứng yêu cầu của phía Hàn Quốc để giữ ổn định thị trường.
Theo Chinhphu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm