1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thẻ BHYT tuyến huyện có được khám chữa bệnh vượt tuyến không?

Nơi đăng ký, khám chữa bệnh ban đầu của ông Tô Xuân Thọ (Hà Nội) là Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín. Tuy nhiên nhà của ông gần Bệnh viện Nông nghiệp và Bệnh viện Quân y 103 Hà Đông.

Ông Thọ hỏi, ông có được đi khám thông tuyến tại 2 bệnh viện này không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Luật BHYT thì từ ngày 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh với mức hưởng như khi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Trường hợp của ông Thọ, Bệnh viện Nông nghiệp (tuyến tỉnh) và Bệnh viện Quân y 103 Hà Đông (tuyến Trung ương) không thuộc cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Vì vậy, ông đi khám, chữa bệnh tại 2 bệnh viện mà không trong tình trạng cấp cứu hoặc không có giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định là đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến.

Khi đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT thì quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi hưởng BHYT và mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT của ông khi ông điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 (là bệnh viện tuyến Trung ương) hoặc thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi hưởng BHYT và mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT của ông khi điều trị tại Bệnh viện Nông nghiệp (là bệnh viện tuyến tỉnh), quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT, đề nghị ông đến đúng nơi khám, chữa bệnh BHYT ban đầu ghi trên thẻ BHYT để khám, chữa bệnh. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu thì ông được chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định.