Thầy giáo 8X “gây sốt” bằng vẽ thư pháp trên mâm ngũ quả ngày Tết
(Dân trí) - Thầy giáo Lê Đức Hùng (SN 1988), giáo viên Trường THCS&THPT Thống Nhất, huyện Yên Định (Thanh Hóa) lại “gây sốt” bằng các tác phẩm nghệ thuật trên những loại quả như: Dừa, bưởi, dưa hấu… vào những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Từng khiến dư luận phải xuýt xoa trước tài năng khi thực hiện các bài giảng bằng những bức tranh từ chất liệu phấn trắng trên nền bảng đen về các chủ đề phong cảnh quê hương, đất nước; tranh biếm họa… vô cùng độc đáo, sinh động.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thầy Hùng lại khiến mọi người thán phục trước tài năng của mình khi thực hiện thư pháp trên các loại quả như: Dừa, bưởi, dưa hấu… phục vụ nhu cầu chưng Tết của người dân.
Với mong muốn mang không khí Tết cổ truyền của dân tộc lên những trái cây trong mâm ngũ quả ngày Tết tới các gia đình, những ngày qua, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, thầy Hùng đã vẽ thư pháp lên các trái cây quen thuộc như: Dừa, bưởi, dưa hấu…
Đây là những sản phẩm không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết của mỗi người dân Việt Nam. Ngoài ra, thầy Hùng còn vẽ chữ thư pháp lên những lon bia, nước ngọt…
Để hoàn thành một sản phẩm phải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều công sức, thời gian. Trước tiên là công đoạn lựa chọn sản phẩm quả để vẽ. Quả chọn vẽ phải tròn, to đều, phù hợp để đặt mâm ngũ quả; vỏ bóng, không bị sần sùi.
Tiếp theo là công đoạn phun lót sơn màu, để khô rồi vẽ từng lớp; sau đó vẽ chi tiết hoàn thiện; cuối cùng là sơn bóng giúp cho sản phẩm giữ bền màu.
Loại sơn vẽ này có thể để cả năm mà không bị phai màu. Trong đó, dừa là sản phẩm có thể để lâu nhất trong các loại quả. Mỗi ngày thầy Hùng có thể vẽ từ 50 đến 70 quả thư pháp trang trí.
Gia đình vốn có truyền thống đam mê nghệ thuật nên thầy Hùng vận dụng nghệ thuật vào nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt.
Mục đích ngoài tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập dịp Tết thì thầy Hùng mong muốn gìn giữ, đưa nét đẹp của mỹ thuật đến với đông đảo người dân bằng những nét thư pháp gần gũi trên các sản phẩm quen thuộc.
Thông qua những sản phẩm của mình, thầy Hùng còn gửi gắm những lời chúc một năm mới với nhiều may mắn và bình an đến với các gia đình và mong rằng, những sản phẩm sẽ mang đến sự sung túc, phong phú, đẹp và ý nghĩa hơn cho mâm ngũ quả ngày Tết của mỗi gia đình Việt.
Đông lực chính giúp thầy Hùng thực hiện thư pháp trên các loại quả là muốn lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống từ những sản phấm rất gần gũi với người dân Việt Nam.
Đây là năm đầu tiên thầy Hùng vẽ thư pháp trên quả, nhưng các sản phẩm của thầy giáo trẻ đã được nhiều người đón nhận. Từ ngày mùng 10 tháng Chạp, thầy Hùng bắt đầu thực hiện công việc của mình.
Mỗi sản phẩm như quả dừa, bưởi thực hiện hết khoảng 15 - 20 phút. Thầy Hùng còn nhận vẽ theo mẫu đặt hàng của người dân.
Thậm chí, nhiều tiểu thương còn đặt hàng thầy Hùng vẽ. Dự kiến, Tết Nguyên đán năm nay, thầy Hùng sẽ vẽ khoảng 1.500 quả. Do vẫn phải đảm bảo công việc giảng dạy ở trường nên thầy Hùng chỉ tranh thủ giờ buổi trưa, buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần để vẽ.
“Mâm ngũ quả không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với ông, bà, tổ tiên mà còn mong muốn một năm mới đủ đầy, nhiều may mắn. Từ đó, tôi lựa chọn những hình ảnh như hoa mai, hoa đào, phong cảnh làng quê sinh động kèm chữ thư pháp truyền thống với lời chúc năm mới may mắn, an vui, thịnh vượng…”, thầy Hùng chia sẻ.
Đối với các sản phẩm như dừa và bưởi, có giá dao động từ 120-240 nghìn đồng/cặp tùy vào họa tiết trang trí; dưa hấu có giá từ 260-400 nghìn đồng/cặp.
Các chủ đề của chữ thư pháp được vẽ lên mỗi sản phẩm của thầy Hùng chủ yếu mang ý nghĩa của những lời chúc cho một măm mới, như: Tài, Lộc, Phúc Lộc Thọ, An khang thịnh vượng, Bình an, Phúc, Vạn sự như ý…
Duy Tuyên