Kon Tum:

Thất bát với tiêu, liều nuôi loài chim nhả "vàng trắng", lãi tiền tỷ/tháng

Nay Sắt

(Dân trí) - Tiêu rớt giá, chết trắng khiến nhiều nông dân huyện Chư Sê (Gia Lai) rơi vào cảnh trắng tay. Không nản lòng, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang nghề nuôi chim yến và thu lãi nửa tỷ đồng mỗi tháng.

Hơn 6 năm trước, huyện Chư Sê được xem là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai, cũng như vùng Tây Nguyên. Nhiều hộ dân nhờ cây tiêu đã xây nhà khang trang. Đến năm 2018, cây tiêu ở Chư Sê, Chư Pưh bỗng nhiên bị chết sạch và rớt giá thảm hại. Nhiều nông dân đã rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Có hộ vỡ nợ phải bán nhà, bán đất hoặc đi làm xa xứ để trả nợ ngân hàng.

Vượt qua "cơn bão" trắng tay vì hồ tiêu, một số nông dân tại huyện Chư Sê đã tìm hướng đi mới, làm nhiều ngành nghề, thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế khác nhau. Trong đó,  nuôi chim yến là nghề được lựa chọn hàng đầu.

Thất bát với tiêu, liều nuôi loài chim nhả vàng trắng, lãi tiền tỷ/tháng - 1

Khi hồ tiêu thất bát, nhiều nông dân ở huyện Chư Sê đã chuyển sang mô hình nuôi yến.

Ông Phạm Tiến Dũng (51 tuổi, trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) đang là Chủ tịch Hội Yến sào Chư Sê. Ông cũng là người đầu tiên liều lĩnh thử nghiệm với nghề nuôi chim yến ở huyện sau khi thua lỗ gần 15 tỷ đồng với việc trồng hồ tiêu.

"Trước đây, gia đình tôi trồng hơn 8ha tiêu. Vì dịch bệnh phá hoại, vườn tiêu chết hết, không sót lại một cây nào. Lúc đó, gia đình vỡ nợ gần 15 tỷ đồng. Bản thân là trụ cột trong gia đình, tôi đã tìm đủ công việc làm để trả nợ nhưng vẫn không được là bao", ông Dũng chia sẻ.

Trong quá trình sinh sống, ông Dũng nhận thấy chim yến ở vùng Chư Sê này rất nhiều, mỗi chiều thường tập trung ở khu vực dân cư. Nhận thấy cơ hội, ông cùng vợ đã ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi về mô hình nuôi chim yến trên sách, báo...

Ông đã học hỏi trên mạng Internet về cách xây nhà, dẫn dụ chim yến vào làm tổ. Ông Dũng nhận thấy, huyện Chư Sê rất thích hợp phát triển nghề này vì khí hậu ít lạnh, nguồn thức ăn dồi dào nên đã quyết định thử sức với nghề nuôi yến.

Năm 2014, ông xây dựng mô hình nuôi yến trên diện tích 90m2 nhà có sẵn và số tiền tích góp hơn 120 triệu đồng mua sắm vật tư, trang thiết bị. Sau 4 tháng, nhà ông Dũng đã có đàn chim yến đầu tiên vào làm tổ. Nhìn thấy yến nhả từng sợi "vàng trắng", ông rất phấn khởi vì công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng.

Thất bát với tiêu, liều nuôi loài chim nhả vàng trắng, lãi tiền tỷ/tháng - 2

Theo tính toán, chưa tính giá đất thì mỗi mét vuông nhà yến đầu tư hết khoảng 3,5 - 3,8 triệu đồng. Với giá thị trường hiện dao động từ 18 - 22 triệu đồng/kg yến thô thì đây là nguồn thu lớn đối với người dân.

Thất bát với tiêu, liều nuôi loài chim nhả vàng trắng, lãi tiền tỷ/tháng - 3

Nhà yến được lắp đặt camera quan sát, đồng hồ hẹn giờ, cảm biến để điều chỉnh nhiệt độ.

Sau 3 năm, ông Dũng đã thu được lượng yến thô đầu tiên và bán với giá từ 18-19 triệu đồng/kg tại thời điểm đó. Có thu nhập ổn định từ bán yến thô, kết hợp vay mượn thêm, ông tiếp tục mở rộng mô hình, làm thêm 4 căn nhà yến.

"Trong những năm đầu, sản lượng yến còn thấp nhưng từ năm thứ 4 trở đi, lượng tổ yến thu về ngày càng nhiều hơn. Hiện tại, gia đình tôi đã mở rộng lên thành 5 căn nhà yến. Trong đó, 3 căn ở thị trấn Chư Sê, 2 căn ở xã H'Bông và xã Ia Pa. Mỗi tháng, nhà tôi thu về khoảng 30 kg yến thô. Với giá thị trường 18-22 triệu đồng/kg yến thô và 34 triệu đồng/kg yến tinh chế thì gia đình thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng/tháng", ông Dũng cho biết.

Thu lãi bạc tỷ mỗi... tháng từ nghề nuôi chim yến

Cũng thất bát với vườn hồ tiêu, ông Nguyễn Duy Hùng (50 tuổi, trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã chuyển sang làm mô hình nuôi yến. Được sự tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình của những hộ dân nuôi yến quanh vùng, ông Hùng đã quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây 2 căn nhà yến (căn đầu 400m2, căn thứ hai 300m2).

"Lúc mới bắt đầu, tôi được ông Dũng hướng dẫn, tư vấn tận tình từ khâu thiết kế xây dựng nhà yến đến việc chống thiên địch, cả cách thu hoạch và việc tìm đầu ra…", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, lúc mới bắt đầu, việc dẫn dụ không mấy khó khăn và yến đến rất nhanh, chỉ mới 6 tháng, gia đình đã thu hơn 6 lạng yến thô nguyên tổ. Đến nay, bước sang năm thứ 3, ông thu hoạch 5kg yến thô/tháng. Nếu giá thị trường ổn định, gia đình ông lãi gần 100 triệu đồng/tháng.

"Nghề nuôi yến không khó khăn nhiều, chỉ tốn tiền đầu tư xây nhà yến, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho việc dẫn dụ. Trong nhà yến cần lắp đặt camera, đồng hồ hẹn giờ, cảm biến để điều chỉnh nhiệt độ… qua điện thoại thông minh", ông Hùng cho biết thêm.

Thất bát với tiêu, liều nuôi loài chim nhả vàng trắng, lãi tiền tỷ/tháng - 4

Nhiều hộ còn phát triển các mặt hàng yến sạch, yến tinh chế, yến chưng với giá bán cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn huyện Chư sê đã có gần 230 nhà yến phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn. Với diện tích 30.000m2, hiện tại, ước tính tổng đàn khoảng 80.000 con, sản lượng năm 2021 đạt từ 700-800kg tổ yến. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm rộng lớn, từ các tỉnh, thành trong nước như Khánh Hòa, TPHCM… tới khu vực 9 nước châu Âu, qua đường xách tay, giúp người dân có thu nhập cao, ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, việc chuyển đổi từ trồng tiêu sang mô hình nuôi chim yến trên địa bàn huyện rất hiệu quả, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người sản xuất.

Thời gian tới, phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tiếp tục hướng dẫn cho người dân về thủ tục hành chính trong xây dựng nhà yến. Đồng thời, phòng sẽ đẩy mạnh việc triển khai các công việc liên quan đến cơ sở chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát tiếng ồn và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích phát triển doanh nghiệp làm dịch vụ để thu mua, chế biến và cung cấp sản phẩm đầu ra cho thị trường mang tính chuyên nghiệp. Cùng với đó, cơ quan chức năng triển khai quy trình đăng ký sản phẩm OCOP tới các hộ nuôi yến, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm yến sào ra thị trường trong và ngoài nước.