Thanh niên thất nghiệp: Nỗi lo lắng toàn cầu

Suy giảm kinh tế toàn cầu khiến số lượng việc làm mới được tạo ra ít hơn, thanh niên phải đối mặt nhiều hơn với thất nghiệp.

Nỗi lo lắng từ thực tế này đã được đại diện bộ lao động các nước chia sẻ tại diễn đàn cao cấp ASEM về việc làm và chính sách xã hội, đã được khai mạc cuối tuần trước tại Hà Nội.

 

Thanh niên thất nghiệp nhiều

 

Bà Vera Bade, vụ trưởng vụ Chính sách xã hội – việc làm thuộc bộ Lao động – xã hội Đức cho biết, thanh niên ở đây đang làm những công việc ngắn hạn và khó có cơ hội ở những việc dài hạn.

 

Bà Vera Bade cho biết, tỷ lệ thanh niên dưới 25 tuổi đang thất nghiệp ở Đức là 9,1% vào tháng 8.2011 và tăng lên 11% vào tháng 10/2011. Tỷ lệ tìm việc làm thất bại của thanh niên dưới 25 tuổi tại Đức đứng thứ ba EU, chỉ sau Áo và Hà Lan.

 

Tuy vậy Đức vẫn còn là một điểm sáng tại châu Âu về tình trạng việc làm cho thanh niên. Theo bà Vera Bade, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 25 tuổi ở châu Âu là 21,4% vào tháng 9/2011.

 

“Đang có tình trạng các xí nghiệp chững lại việc tiếp nhận những thanh niên sau đào tạo”, bà Vera Bade nhận định.

 

Mặc dù Ba Lan ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cũng tăng nhanh. Ông Tomasz Rejment, thuộc bộ Lao động và chính sách xã hội Ba Lan cho biết, tỷ lệ lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24 tăng nhanh hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác, hiện thời là 24,5%, cao gấp 2,5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung.

 

Tại nhiều nước châu Á, thanh niên ngày càng trở nên yếu thế hơn trong tìm kiếm việc làm. Ông Amir Bin Omar, giám đốc viện Nguồn nhân lực quốc gia thuộc bộ Nguồn nhân lực Malaysia cho biết, nước này đang phấn đấu trở thành một nước có thu nhập cao với năng suất lao động tăng nhưng tình trạng thanh niên thiếu việc làm, đào tạo thấp đang cản trở tiến trình này.

 

Ở Mông Cổ, ông Alimaa Baasansuren, bộ Phúc lợi xã hội và lao động cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trung bình cả nước là 9,9% thì tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc làm là 19,5%. Có tới 60% việc làm của thanh niên Mông Cổ là việc làm phi chính thức, thu nhập thấp. Trong số thanh niên có việc làm thì có tới 70% có thời hạn ngắn. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tập trung ở nông thôn, đặc biệt là nữ.

 

Trợ giúp đặc biệt

 

Hầu hết các nước tham gia diễn đàn đều thống nhất đưa thanh niên vào diện được trợ giúp đặc biệt trong các chính sách việc làm. Theo bà Vera Bade, để thanh niên ở Đức có cơ hội việc làm tốt hơn, họ bắt buộc phải học và thực hành ba năm trong xí nghiệp. Chương trình đào tạo lý thuyết song song với thực hành được thực hiện ở các trường nghề đặc biệt dành cho thanh niên. Mô hình này khiến thanh niên học được những kiến thức gần với thực tế công việc của họ sau này nên dễ có việc hơn.

 

Ở Ba Lan, người thất nghiệp trẻ dưới 25 tuổi được đối xử như những người đặc biệt trên thị trường lao động. Chính phủ nước này đưa ra chính sách trong vòng sáu tháng kể từ khi đăng ký thất nghiệp, người lao động trẻ phải tìm được việc làm hoặc tham gia vào những khoá đào tạo để nâng cao tay nghề, kỹ năng…

 

Ông Nguyễn Thanh Hoà, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội Việt Nam cho rằng, các chương trình việc làm cần đưa thanh nên vào đối tượng trọng tâm, trong đó bao gồm cả chính sách hỗ trợ thanh niên tìm việc và chính sách kích thích để thanh niên tự tạo việc làm cho chính họ.

 

“Về lâu dài, để tạo việc làm mới vẫn phải là các giải pháp thúc đẩy kinh tế”, ông Hoà khẳng định.

 

Theo Tây Giang
SGTT