1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh niên đang lệch lạc trong định hướng nghề nghiệp

(Dân trí) - Học những ngành thời thượng để rồi cung vượt cầu, khó tìm việc; ưa thích mác “thầy”, không thích làm “thợ” để rồi thất nghiệp dài dài… là những định hướng nghề nghiệp sai lầm của thanh niên.

Ít chỗ làm nhưng nhiều người học

Tại hội thảo Đánh giá việc thực hiện chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên do Trung ương Đoàn tổ chức ở TPHCM ngày 19/8, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng: “Hiện TPHCM có tỷ lệ thất nghiệp cao, bình quân trên 5%”.

Thanh niên đang lệch lạc trong định hướng nghề nghiệp - 1
Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở TPHCM là khá cao (ảnh: Hoài Lương)

Theo ông Trần Anh Tuấn, thất nghiệp thì có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có 2 nguyên nhân chính là: “Công việc ít chỗ làm nhưng nhiều người học và công việc có chỗ làm nhưng người lao động không đáp ứng đủ trình độ”.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Trong hai nguyên nhân trên, nguyên nhân công việc ít chỗ làm nhưng nhiều người học là nguy hiểm nhất. Vì nếu người lao động không đủ trình độ thì doanh nghiệp có thể tiến hành đào tạo lại hoặc nhà trường làm cách nào đó để cải tiến chương trình đào tạo… Nhưng có nhiều nghề thời thượng, thanh niên đua nhau học nhưng thực tế là số chỗ làm việc chỉ chừng đó, không thể nhiều hơn, vậy là có một bộ phận không thể tìm được công việc phù hợp, thậm chí là thất nghiệp”.

Theo ông, đây là một sự lãng phí tài nguyên xã hội, khiến việc đào tạo của chúng ta không đạt hiệu quả cao. Việc những thanh niên học các ngành thời thượng nhưng không tìm được việc làm đúng ngành học, phải làm việc trái ngành không có gì là sai. Nhưng kiến thức ngành học trên sẽ trở nên lãng phí, vì thực tế một số ngành kỹ thuật nếu sau 1 – 2 năm ra trường, sinh viên không được làm việc đúng ngành thì những kiến thức trên sẽ không còn nữa.

Cũng tại hội thảo, đại diện của công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động & chuyên gia Sulenco cho biết: “Một em sinh viên của tôi từng thực hiện một cuộc khảo sát việc làm khá lớn tại 5 huyện ngoại thành của TP. Kết quả cho được là hơn 80% thanh niên chỉ chọn có 2 nghề. Đó là làm bảo vệ và tài xế taxi. Nguyên nhân là oai và chi phí đầu tư học nghề thấp, học thời gian ngắn là làm việc được”.

Tuy nhiên, theo vị này thì đó là sự lệch lạch trong định hướng nghề nghiệp. Bởi nếu ai cũng chọn 2 nghề trên thì các nghề khác ai làm, nguồn cung cao như vậy thì nguồn cầu làm sao đáp ứng…

Cần có kế hoạch đào tạo nhân lực

Ngoài sự lệch lạc vì không nắm rõ nhu cầu thị trường lao động thì tâm lý ưa “thầy” hơn “thợ” vẫn còn rất nặng trong thanh niên. Điều này khiến tình hình đào tạo nghề tại TPHCM tuy có tăng theo hàng năm nhưng còn rất chậm, chưa đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng “thợ” của doanh nghiệp, trong khi đó thì nhiều “thầy” phải thất nghiệp.

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Hà, chuyên viên phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP) cho rằng: “Do nhiều nguyên nhân, học nghề vẫn chưa vượt qua tâm lý xã hội về khoa cử, bằng cấp, danh vị xã hội…”. Thậm chí, theo bà thì trong các ngành nghề kỹ thuật thì những ngành nặng nhọc như cơ khí cũng rất khó tìm học viên, cung thường không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Định hướng nghề nghiệp không chỉ là phổ biến cho thanh niên biết về các nghề, hướng dẫn họ chọn nghề gì mà cần có kế hoạch đào tạo nhân lực, thu hút nhân lực vào những nghề mà tương lai đất nước cần”.

Theo ông Trần Anh Tuấn, từ kế hoạch đào tạo nhân lực đã hoạch định sẵn theo nhu cầu phát triển đất nước, Nhà nước có thể đề ra những chính sách phù hợp để thu hút nhân lực. Ông lấy ví dụ: “Hiện các ngành xã hội đang thiếu học viên, nhưng ai cũng biết là xã hội càng phát triển thì nhân lực các ngành này rất quan trọng. Chúng ta cần có những chính sách như miễn giảm học phí, trợ cấp học tập cho những ngành này… để thu hút người học. Những ngành thời thượng nhưng đang dư cung thì tăng học phí, siết đầu ra…”.

Tùng Nguyên