1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hoá: Sáp nhập hàng loạt cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

(Dân trí) - Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế bất cập trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Thanh Hóa thực hiện sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý.

Có 80 nghề với nhiều trình độ đào tạo khác nhau

Ngày 20/12, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định phê duyệt đề án “Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý”.

Thanh Hoá: Sáp nhập hàng loạt cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập - 1
Nhiều cơ sở đào tạo nghề hoạt động không hiệu quả.

Việc quy hoạch lại hệ thống GDNN trong tỉnh, nhằm thể hiện quan điểm đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực như là yếu tố quyết định góp phần vào quá trình tăng lợi thế cạnh tranh, sự phát triển nhanh và bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc đổi mới công tác GDNN, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo UBND tỉnh Thanh Hoá, đến tháng 12/2019, Thanh Hóa có 59 cơ sở GDNN và 32 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, trong đó 12 trường cao đẳng (CĐ), 17 trường trung cấp (TC), 30 Trung tâm GDNN và hàng chục cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.

Tuy nhiên từ thực tế triển khai cũng cho thấy, hệ thống cơ sở GDNN của Thanh Hóa đã bộc lộ sự thiếu hợp lý, gây cản trở cho sự phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Cụ thể, mạng lưới cơ sở GDNN dàn trải, chất lượng không đồng đều; nhiều cơ sở đào tạo cùng nghề, cùng cấp độ trên một địa bàn dẫn tới có lúc cạnh tranh không lành mạnh; nhiều ngành, nghề không tuyển sinh được người học; các cơ sở hầu như chỉ dạy những gì mình có chứ chưa đào tạo được theo yêu cầu của xã hội, thị trường lao động; sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...

Thanh Hoá: Sáp nhập hàng loạt cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập - 2
Đến tháng 12/2019, Thanh Hóa có 59 cơ sở GDNN và 32 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN.

Những năm qua, các trường CĐ, TC đầu tư mua sắm thiết bị hơn 655 tỷ đồng. Các trường được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN khoảng 80 nghề với các trình độ khác nhau, trong đó có 20 nghề trình độ CĐ, 43 nghề trình độ TC, 58 nghề trình độ sơ cấp.

Giai đoạn 2015 - 2018, 15 trường CĐ, TC công lập đã tuyến sinh được 68.137 học sinh, sinh viên các hệ CĐ, TC và sơ cấp.

Giảm 4 đầu mối trường công lập

Hầu hết các trường đều có ngành, nghề đào tạo với kết quả tuyển sinh bình quân giai đoạn 2015 - 2018 đạt dưới 50% so với quy mô tuyển sinh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề chưa đáp ứng được cả về sổ lượng và chất lượng. Nhiều trường, ngành, nghề còn thiếu giáo viên cơ hữu như: Hàn, điện, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô...; khả năng sử dụng Ngoại ngữ và ứng dụng CNTT còn hạn chế.

Thanh Hoá: Sáp nhập hàng loạt cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập - 3
Còn có sự lãng phí trong đầu tư thiết bị dạy học cho một số ngành, nghề mà thị trường lao động có rất ít nhu cầu tuyển dụng và cả tỉnh tuyến sinh được rất ít người học.

Còn có sự lãng phí trong đầu tư thiết bị dạy học cho một số ngành, nghề mà thị trường lao động có rất ít nhu cầu tuyển dụng và cả tỉnh tuyến sinh được rất ít người học, như: Khai thác, đánh bắt hải sản; gia công và thiết kế sản phẩm mộc; nuôi trồng thủy sản nước ngọt...

Nguyên tắc sắp xếp là sáp nhập các trường TC có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các trường CĐ, các trường CĐ cùng nhóm ngành hoặc không đủ điều kiện tối thiểu theo quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN theo hướng hình thành các nhóm ngành đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc gắn kết với doanh nghiệp đế vừa tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học tập, nâng cao tay nghề; vừa tạo việc làm ngay cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp chưa được quan tâm thỏa đáng; chưa có cơ chế để đẩy mạnh sự liên kết này.

Các cơ sở GDNN chưa theo kịp đổi mới về công nghệ của các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động, nên chất lượng đào tạo một số ngành, nghề chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Thanh Hoá: Sáp nhập hàng loạt cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập - 4

Sau khi thực hiện sáp nhập, chuyển giao theo phương án nêu trên, hệ thống các trường CĐ, TC công lập thuộc quyền quản lý của tỉnh Thanh Hóa sẽ còn 11 trường, giảm 4 đầu mối.

Theo UBND tỉnh, mục tiêu của đề án là xắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ sở GDNN công lập; đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho GDNN.

Từ đó tạo điều kiện để các cơ sở GDNN từng bước thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.

Sáp nhập nguyên trạng về thiết bị đào tạo, cán bộ, giáo viên, người lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, học sinh, sinh viên theo hướng các ngành, nghề của trường bị sáp nhập trùng với trường được sáp nhập; các ngành, nghề chuyên ngành khác mà trường được sáp nhập chưa có thì bổ sung, thành lập thêm khoa, phòng, bộ phận mới.

Sáp nhập nhiều trường cao đẳng

Theo kế hoạch, Trường CĐ nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được sáp nhập vào Trường CĐ Nông Lâm và lấy tên là Trường CĐ Nông nghiệp Thanh Hóa; sáp nhập Trường TC nghề Xây dựng và Trường TC Phát thanh - Truyền hình vào Trường CĐ nghề Công nghiệp và lấy tên là Trường CĐ Công nghiệp, Xây dựng và Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa.

Các trường CĐ, TC không thực hiện sáp nhập, gồm: CĐ nghề Nghi Sơn; TC nghề Thanh thiếu niên khuyết tật đặc biệt khó khăn; TC nghề Miền núi; TC nghề Thương mại Du lịch; TC nghề Giao thông vận tải. Chưa giải thể đối với trường CĐ Y tế Thanh Hóa.

Các trường xây dựng phương án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, sổ lượng người làm việc theo vị trí việc làm; xác định cơ chế tự chủ về tài chính, số lượng người làm việc từ năm 2020 - 2021 trở đi, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Sau khi thực hiện sáp nhập, chuyển giao theo phương án nêu trên, hệ thống các trường CĐ, TC công lập thuộc quyền quản lý của tỉnh Thanh Hóa sẽ còn 11 trường (4 CĐ, 7 TC), giảm 4 đầu mối trường công lập.

Duy Tuyên