Thanh Hoá: Kiếm hàng trăm triệu đồng từ bưởi, mít, dừa...
(Dân trí) - Với mong muốn đột phá trong phát triển kinh tế nơi quê nhà, nhiều thanh niên ở Ngọc Lặc (Thanh Hoá) đã cùng nhau xây dựng mô hình kinh tế trang trại, tạo việc làm cho lao động đia phương.
Đến xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) hỏi thăm anh Quách Văn Toản (SN 1986), không ai là không biết. Hiện đang giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã Ngọc Liên, nhưng với mục tiêu phát triển kinh tế ngay tại địa phương và chuyển đổi cây trồng theo hướng đột phá, anh Toản đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại.
Sau khi huyện phát động xây dựng trang trại, gia trại, xã cũng phát động làm mô hình và tạo điều kiện cho thầu đất, anh Toản đã kêu gọi các thanh niên khác cùng nhau làm.
Bắt đầu từ năm 2017, anh Toản cùng với anh Vũ Văn Thêm, Lê Quang Kiên phối hợp đầu tư làm mô hình trang trại trên địa bàn thôn 2, xã Ngọc Liên.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ngoài các loại cây trồng chính như: Bưởi, mít, dừa..., anh Toản cùng các “cộng sự” của mình trồng xen canh cây ổi và một số cây ngắn ngày khác.
Đứng giữa vườn cây ăn quả đang thời kỳ phát triển, anh Toản cho biết, trước kia, nơi đây là đất ruộng một vụ. Sau khi thầu lại đất, anh Toản và những người làm cùng đã phải bỏ hàng trăm triệu thuê máy móc, san lấp mặt bằng; đồng thời, đầu tư hệ thống mương tưới tiêu.
Để có được mô hình như ngày hôm nay, các anh đã phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng.
Khi các loại cây trồng chủ lực còn nhỏ, tán chưa phủ rộng, phía dưới anh Toản trồng hành chăm. Mô hình của anh Toản mới chỉ có cây ổi, mít và hành chăm mang lại nguồn thu mỗi năm khoảng gần 400 triệu đồng.
“Ban đầu mô hình còn gặp nhiều khó khăn như kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây chưa có, chúng tôi phải bỏ tiền đi học hỏi kinh nghiệm trồng cây ở nhiều nơi. Ngoài ra, nguồn vốn còn hạn chế, khi trồng được sản phẩm thì giá bấp bênh. Rất may, những năm gần đây, cây hành chăm có giá ổn định”, anh Toản chia sẻ.
Ngoài việc trồng hành chăm dưới tán, mỗi năm, để có thêm tích lũy tái đầu tư, anh Toản còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng thu mua hành chăm của bà con tại địa phương để xuất bán đi các tỉnh ngoài.
Anh Toản nhẩm tính: “Trong mô hình của chúng tôi hiện có 500 cây bưởi, 700 cây ổi, 350 cây dừa, 150 cây mít thái. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng cây táo, vú sữa và hồng xiêm. Dự kiến, khi cây ăn quả có tán rộng, không trồng hành chăm được nữa, chúng tôi sẽ nuôi gà thả vườn và nuôi dê”.
Không chỉ bước đầu mang lại giá trị kinh tế, mô hình của anh Toản còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4- 4,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, mô hình còn thêm tạo việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 150-200 nghìn đồng/ngày.
Với diện tích trang trại hiện 3 ha, anh Toản mong muốn mở rộng thêm để trồng các loại cây màu khác. Tuy nhiên, theo anh Toản, cùng với cơ chế chính sách thì việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên cho biết: “Mô hình này cũng được chủ trương của huyện về tích tụ đất lúa để chuyển đổi sang trồng cây màu khác có hiệu quả kinh tế. Với tinh thần, trách nhiệm thanh niên lập nghiệp, anh em cũng có xây dựng đề án trình với huyện, huyện phê duyệt và xã cũng tạo điều kiện cho các thanh niên được đấu thầu, tổ chức mô hình.
Cũng theo ông Nam, nhiều thanh niên địa phương đã học hỏi và đi thăm một số mô hình trang trại ở các địa phương. Đặc biệt là các mô hình ở trung du miền núi, phù hợp với đồng đất của địa phương. Qua 3 năm, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế từ việc lấy các cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày…
Duy Tuyên