Tháng 11/2015: VN có 9.837 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
(Dân trí) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hơn 9.800 lao động VN đã đi làm việc ở nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 11. Số liệu này đạt 110 % kế hoạch so với cùng kỳ năm 2014.
Các thị trường lao động chủ yếu thu hút lao động VN gồm: Đài Loan (Trung Quốc): 5.308 lao động (1.700 lao động nữ), Nhật Bản: 2.646 lao động (1.194 lao động nữ), Hàn Quốc: 630 lao động (41 lao động nữ).
Bên cạnh đó, thị trường lao động Malaysia cũng thu hút 735 lao động (550 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 265 lao động (157 lao động nữ), Macao: 57 lao động (57 lao động nữ)…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động VN đi làm việc ở nước ngoài sau 11 tháng là 109.252 lao động, trong đó có 35.472 lao động nữ. Kết quả này vượt 15% kế hoạch năm 2015 và bằng 110,64%% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 11, Bộ LĐ-TB&XH cũng tổ chức hội nghị chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động tại 2 thị trường trọng điểm là Nhật Bản và Đài Loan.
Nhiều biện pháp chế tài mạnh được Bộ LĐ-TB&XH ban hành như xử phạt và dừng hoạt động nếu doanh nghiệp XKLĐ tại thị trường Đài Loan không tuyển chọn trực tiếp, không thu tiền trực tiếp, thu phí quá quy định; tạm đình chỉ hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng trên tổng số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản cao hơn 5%...
Cũng trong tháng 11, nhóm 50/57 lao động của Công ty Simco Sông Đà từ Algeria đã về VN an toàn. Đây là những lao động bị nhà thầu Trung Quốc bị hành hung tại Algeria vào tháng 9. Dự kiến, cuối tháng 12, việc thanh lý hợp đồng giữa nhóm lao động trên với Công ty Simco Sông Đà sẽ được thực hiện.
Trong tháng 11, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra quyết định:
- Tạm dừng hoạt động 3 tháng, xử phạt hành chính mức 212,5 triệu đồng với Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom sau những sai phạm liên quan tới dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
- Tạm dừng hoạt động đưa lao động sang làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út đối với 3 công ty: Công ty cổ phẩn Xuất khẩu lao động và Thương mại Bảo Việt (Taylo), Công ty cổ phần quốc tế Nhật Minh (Namico), Công ty cổ phần Dịch vụ Xuất khẩu lao động và Chuyên gia Thanh Hóa (Leesco). Lý do tạm dừng bởi các công ty chậm xử lý nhiều vụ việc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hoàng Mạnh