“Thái cực” nơi công sở

(Dân trí) - Thái cực vốn dĩ bao gồm các động tác uyển chuyển và chậm rãi chủ yếu giúp duy trì sức khỏe. Ấy thế mà môi trường công sở cũng không thiếu những chiêu thức “thái cực”, những luật “bất thành văn” khiến lính văn phòng bao phen khốn đốn và thót tim…

Công sở… chậm dần đều

Dường như đã là công thức quen thuộc của dân văn phòng: cà phê sáng, trà chiều, họp chợ giữa phiên và cuối cùng là công việc. Tiến độ công việc tuy quan trọng, nhưng lại nằm trong “chế độ co giãn” khi công sở lắm lúc cũng… chậm dần đều.

Chuyện nhâm nhi cà phê buổi sáng, hay ráng “ăn gian” vài chục phút ăn sáng của nhân viên văn phòng đã là chuyện thường tình, nhất là khi các sếp lớn thường đến trễ, mà sếp có thấy thì lắm lúc cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Vấn đề nằm ở chỗ những anh lính nào đã quen chỉn chu, đúng giờ thì đôi lúc bức bối, bởi ở lại làm việc cũng không xong mà nhập hội cũng chẳng đặng đừng . Thành, nhân viên xuất nhập khẩu của một công ty tư nhân cho biết, “Mấy anh lớn trong phòng lúc nào cũng đủng đỉnh cà phê sáng, nhiều khi có việc muốn hỏi ý kiến cũng không xong. Mà đã là nhân viên phòng mình thì phải nhập hội, kẻo lại bị nói là ‘dở hơi’, ‘chơi nổi’. Mọi người trong phòng từ từ thì mình cũng phải từ từ theo, riết rồi thấy việc cứ đều đều, chẳng có gì là đột phá”.

Riêng với các công ty nước ngoài thì chuyện kỷ luật giờ giấc là quan trọng, nên dân văn phòng chuyển qua chiêu khác là những bữa ăn vặt giữa giờ và bình phẩm đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Hằng là lính mới của công ty, tháo vát, năng nổ và có năng lực, nhưng chỉ lạ một điều là các đồng nghiệp cùng phòng không ai thích cô. Lúc đầu, Hằng cũng tự suy xét thái độ và lời ăn tiếng nói, nhưng sau này cô mới biết mình bị đưa vào “danh sách đen” là vì dám… từ chối không tham gia “phiên chợ” thường nhật vào lúc 3 giờ chiều của cả phòng. Vốn dĩ là người chú tâm đến kết quả công việc lại ít nói, nên Hằng muốn toàn tâm hoàn thành công việc cho xong, mặc ai họp chợ thì họp, có ai ngờ… Lần nọ, Hằng còn bị chị đồng nghiệp chỉ thẳng mặt càu nhàu vì cái tội dám… nộp báo cáo trước cả phòng, dù ngày đó đã là hạn chót do cấp trên đề ra.

“Bạn không có quyền chạy nhanh khi cả phòng đang chuyển động chậm… dần đều”, cái đúc kết buồn bã của Hằng cũng là lý do nhiều bạn trẻ ngâm ngùi chia tay với công việc. Thế mới biết “luật công ty còn thua lệ phòng ban” bởi có những quy định “ngầm” đòi hỏi dân văn phòng, nhất là lính mới phải tinh tế quan sát chứ không dùng bất cứ lý luận logic nào làm kim chỉ nam được.

Không có chỗ cho người “đứng cửa giữa”

Chuyện phe phái công sở lại là một vấn đề đau đầu và “dễ chết” khác. “Dù bạn là ma cũ hay ma mới, bạn phải chấp nhận vào một phe nào đó, nếu không muốn là mục tiêu chung cho tất cả các phe còn lại”, Hùng, nhân viên marketing của một công ty lớn chiêm nghiệm như thế sau nhiều năm làm việc. Khi mới gia nhập công ty, anh đã nghe đàn anh đi trước chia sẻ về môi trường làm việc bè phái cạnh tranh gay gắt tại các công ty đa quốc gia, thế nên Hùng chọn cách “hạ cánh an toàn” là không theo phe nào cả. Hùng cứ nghĩ mình “đứng cửa giữa” thì không mâu thuẫn quyền lợi với ai nên chắc sẽ ít bị “săm soi”. “Không ngờ lằn ranh chiến tuyến lại là nơi “hứng đạn” nhiều nhất, vì đơn giản là bạn không có ai ‘hậu thuẫn’ cả. Thậm chí ngay cả khi bạn không bị ai đả động tới cũng là lúc chẳng ai ngó ngàng đến bạn thật sự, như vậy thì làm sao sếp lớn để mắt và thăng tiến?”, Hùng cho biết.

Với Vinh lại là một trường hợp khác. Biết mình không thể thoát khỏi vòng xoáy ganh đua, anh chủ động “chọn đại một cành mà đậu”. Vinh quan niệm, “Chuyện đấu đá là chuyện các sếp, mình thì cứ phận mình mình làm thôi. Chủ yếu là giữ ý một chút, đừng giao du ‘quá đà’ với phe kia là được.” Có lẽ vì thế mà công việc Vinh suôn sẻ và được cất nhắc lên chức phó phòng. Nhưng chẳng ai ngờ, không lâu sau khi sếp Vinh bị “thất sủng” và phe của Vinh rơi vào thế yếu. Quá mệt mỏi, Vinh xin từ chức.

Phản kháng hay nhập gia tùy tục?

Không ít nhân viên trẻ gặp những tình huống này thường phản kháng bằng cách xác lập ranh giới của riêng mình. Trong môi trường làm việc chú trọng đến biểu hiện cá nhân, chuyện phản kháng có thể có kết quả. Nhưng trong hầu hết các công ty, chuyện “đi ngược gió” thường không có hậu và nhân viên sau đó phải tìm cách thỏa hiệp theo cách riêng của mình. Khi mối quan hệ giữa Thành và đồng nghiệp trở nên khắng khít hơn , anh tranh thủ khéo lồng chuyện công việc trong những buổi nhâm nhi trà chiều, cà phê sáng… Với Hằng, cô bắt đầu quan sát và giữ ý hơn, nếu việc không quá gấp thì cũng tranh thủ vài phút với mọi người và Hằng bắt đầu nhận ra, “những câu chuyện không phải lúc nào cũng vô thưởng vô phạt, nhiều khi những khúc mắc của các thành viên trong nhóm cũng tìm được giải pháp từ đây.”

Những chiêu “thái cực” nơi công sở khiến lính văn phòng lao đao vì tính khó đoán trước của nó. Nhưng khó có thể nói đó là tốt hay xấu vì văn hóa mỗi doanh nghiệp mỗi khác. Quan trọng nhất vẫn là là sự thích nghi của nhân viên, sự tiết chế của tập thể và kết quả công việc. Cái nhìn ban đầu của lính mới có thể khá khắt khe và khó hòa nhập với môi trường làm việc nhưng nếu biết chấp nhận, quan sát và “nhập gia tùy tục” trong giới hạn nguyên tắc của bản thân thì những “chiêu thái cực” lúc nhu lúc cương đó sẽ không còn là rào cản cho sự nghiệp của bạn.

Hoàng Vy Ân