Thạc sĩ, cử nhân có tài không mặn mà với nhà nước

Thạc sĩ, cử nhân làm việc trong cơ quan Nhà nước, được Nhà nước bỏ tiền đào tạo lại muốn “nhảy” việc.

Ngoài thực trạng thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp hàng loạt do trình độ chuyên môn kém thì hiện nay còn một thực tế rất đáng lo ngại là những người thực tài, có năng lực, trình độ đang làm trong cơ quan Nhà nước muốn “nhảy việc” hoặc “nhảy việc” xong rồi.

thac si, cu nhan co tai khong man ma voi nha nuoc hinh 0

Nhiều người đã đầy đủ kinh nghiệm trong cơ quan Nhà nước lại muốn ra ngoài làm.

Không phải ai ra trường, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, kỹ sư cũng làm được việc ngay. Tất cả các cơ quan, từ Nhà nước tới tư nhân, DN nước ngoài muốn sử dụng các lao động này đều phải dành thời gian, kinh phí để đào tạo lại. Thế nhưng, một thực tế ai cũng dễ dàng nhìn thấy là chỉ khi có “biến” thì lực lượng lao động từ khối tư nhân, DN nước ngoài mới muốn tìm vào làm trong Nhà nước. Thế nhưng, một thực tế xảy ra lâu nay, nhiều công chức, viên chức khi đã đạt độ chín về chuyên môn lại muốn ra ngoài làm việc.

Vì sao lại như vậy?

Thứ nhất, chế độ đãi ngộ: Cho dù anh có bằng tiến sĩ, nếu được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước, theo đúng chế độ, anh chỉ được hưởng lương như một cử nhân vừa tốt nghiệp. Rất ít cơ quan, lãnh đạo dám “xé rào” để những người có trình độ, chuyên môn cao được xếp vượt bậc lương như những cán bộ vào làm trước đó. Một qui trình lập sẵn và ai cũng phải đi qua, lương đi từng bậc, nếu có thành tích đột xuất, xuất sắc thì được tăng trước hạn 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm. Việc tính lương không phụ thuộc nhiều vào hiệu quả công việc mà tính bằng thâm niên công tác.

Thứ hai, cơ hội thăng tiến với những người có năng lực chuyên môn vượt bậc luôn bị kìm hãm bởi những “hòn đá tảng” làm việc lâu năm hơn. Cơ chế bổ nhiệm trong Nhà nước chỉ có “tiến” mà ít khi có lùi. Nếu đã là trưởng phòng, dù anh có không làm được việc thì vẫn cứ ngồi im hưởng lương và chế độ mà khó có sự thay đổi dù cấp dưới có phàn nàn, kêu ca. Và nhiều bất cập khác khiến những người cầu tiến không thể chịu được đành rời bỏ nhà nước thì mới có cơ hội tiến thân.

Thứ ba, môi trường làm việc không tạo động lực cạnh tranh. Người làm cứ làm, người chơi cứ chơi vì thước đo hiệu quả công việc mờ nhạt. Cuối tháng, thu nhập của người làm việc tích cực và người làm việc bình thường không có sự khác biệt quá lớn. Do cách tính lương trong cơ quan Nhà nước là một “sợi dây bảo hiểm quá chắc chắn”. Điều này không phải chỉ có các cá nhân đơn lẻ nhìn thấy mà bản thân Chính phủ và các cơ quan giúp việc đã nhìn ra nên mới có con số thống kê 30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Và cuối năm, dù công việc không “chạy” nhưng vẫn có 80-90% cán bộ, nhân viên đạt lao động xuất sắc, tiên tiến.

Còn ở khối ngoài Nhà nước thì sao? Bổ nhiệm dựa trên năng lực. Cho nên mới có chuyện “oắt con” mới ra trường lại lãnh đạo “cây đa, cây đề”; hôm nay làm sếp mai làm nhân viên là chuyện thường… Và tiền lương của người trẻ có khi cao gấp nhiều lần so với những người đã làm việc ở công ty nhiều năm trước đó. Đơn giản, đó là sự đánh giá đúng, trả đúng giá trị thực sự công sức, trí tuệ của một người bỏ ra. Cho nên, ở những nơi này không có chuyện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Tất cả lương thưởng đều dựa trên những định mức, ngày công công việc cụ thể, không hoàn thành cuối tháng trừ lương.

Theo Dự thảo Đề án đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nội vụ, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2014 lên đến trên 5.000 tỷ đồng, trong đó 2013 và 2014 là hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Hằng năm sẽ có khoảng 300 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia các khóa học ở nước ngoài.

Số tiền Nhà nước bỏ ra để đào tạo cán bộ không phải là nhỏ. Đây là con số đo đếm được, chưa kể một nhân sự được tuyển dụng vào cơ quan thì đơn vị sử dụng lao động phải bỏ công sức ra đào tạo hằng ngày, tham gia các khóa tập huấn ngắn, dài khác nhau. Đến khi họ “đủ lông, đủ cánh” thì lại “bay” đi phục vụ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân.

Trong lúc chúng ta đang tiến hành mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… thì những người làm được việc cứ bỏ Nhà nước để làm cho nước ngoài, tư nhân thì công cuộc này sẽ do ai đảm nhiệm và hiệu quả sẽ thế nào? Ai cũng nhìn thấy điều này nhưng phải sửa từ đâu?/

Theo VOV.VN