Tết của những công nhân xa quê
Một bữa cơm tất niên diễn ra thật ấm cúng trong không khí gia đình. Và những câu chuyện quanh mâm cơm phần nào cho thấy đời sống của công nhân còn nhiều khó khăn.
Trong khi nhiều người đang vui vẻ sum họp cùng gia đình thì vẫn còn đó nhiều anh chị công nhân không về quê đón Tết, có nhiều lý do khác nhau để họ ở lại, nhưng chung quy họ tiết kiệm tiền cho tương lai.
Tiết kiệm cho tương lai
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Tám và chị Lê Thị Nga vào tối 29 Tết khi anh chị đang cùng những người ở lại trong khu trọ đang làm bữa cơm tất niên.
Bữa cơm hôm nay khá sung túc với nhiều món ăn ngon và có cả bia, nước ngọt. Họ trò chuyện vui vẻ về một năm vất vả, chuyện học hành của con cái, và cả chuyện của năm mới, của tương lai.
"Năm 2018 hai vợ chồng tôi làm cũng được, thu nhập ổn định nhưng dư không nhiều do chi phí ngày một tăng. Năm mới nhất định gia đình tôi phải thay đổi, chỉ một người đi làm công ty, một người sẽ kinh doanh chứ nếu cứ làm công nhân mãi như thế này thì khó mà có tương lai cho con cái. Cho nên Tết này cả nhà quyết định ở lại để tiết kiệm tiền cho kế hoạch năm mới", anh Tám chia sẻ.
Dự định của anh đang dần trở thành hiện thực khi chọ Nga, vợ anh đang học một khoá học về kinh doanh online. Theo tính toán của hai vợ chồng trẻ này, kinh doanh online sẽ là một công đôi việc, chị vừa kinh doanh, vừa chăm lo con cái học hành vì con gái của anh chị đang tuổi ăn tuổi học.
"Tôi vừa làm công nhân, vừa chạy grab kiếm thêm nên cũng phần nào giúp vợ yên tâm kinh doanh, vốn cho công việc kinh doanh online không quá lớn nên cũng không quá áp lực. Tôi tin với sự nhanh nhạy, vợ tôi sẽ kinh doanh thành công", anh Tám nói thêm.
Một hàng xóm của vợ chồng anh Tám, anh Lê Minh Quang cho biết năm nay là năm đầu tiên ăn tết xa nhà nên không khỏi buồn tủi. Nhưng theo anh, lương công nhân còn thấp, mỗi chuyến về quê đón Tết tốn khá nhiều nên chấp nhận ở lại để tiết kiệm tiền.
"Buồn lắm nhưng mình phải chấp nhận. Cha mẹ ở quê rất trông mong nhưng khi nghe tôi phân tích, các cụ cũng hết sức chia sẻ và cảm thông. Chỉ mấy ngày tết thôi nhưng nếu ở lại, tôi tiết kiệm được khoảng 1,5 tháng lương, số tiền này đủ để tôi học lớp cơ khí nâng ngạch, một cơ hội để tôi nâng cao tay nghề và tăng lương", anh Quang nói.
Dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho người thân
Chị Lê Thị Thuỳ Linh, cũng là hàng xóm của anh Tám mới vào TP HCM gần 1 năm nay cho biết đã khóc khi nghĩ cảnh giao thừa nằm chỏng queo trong nhà trọ khi người bạn ở cùng đã về từ 25 Tết. Đây là lần đầu tiên chị ăn tết xa nhà nên không thể kể hết những nỗi buồn mà theo chị "sẽ cố vượt qua nhanh nhất có thể".
"Tôi làm công nhân may, tăng ca cũng nhiều nhưng thu nhập chỉ khoảng 6,5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình ngoài quê khó khăn nên tháng nào tôi cũng dành hơn một nửa thu nhập để gửi về quê cho nên cuối năm chỉ còn mấy triệu. Tôi nghĩ chả lẽ mình về rồi xin tiền cha mẹ đi vô thì sao được vì cha mẹ đã quá khổ rồi nên tôi chọn cách ở lại. Buồn lắm nhưng phải chịu thôi", chị Linh rơm rớm nước mắt chi sẻ.
Khi được hỏi về mong ước cho năm mới, chị Linh nói rằng chị có hai điều, đó là gia tăng thu nhập và cha mẹ ở quê luôn mạnh khoẻ. Theo chị, để có cuộc sống tốt hơn, thu nhập phải được nâng cao hơn nhưng công nhân như chị thì việc gia tăng thu nhập chỉ có thể thực hiện khi công ty có nhiều hàng và được tăng ca nhiều hơn. Một nỗi niềm khiến chúng tôi nghẹn lòng khi nghe chị chia sẻ. Chị đã bỏ qua những mong muốn của bản thân để dành tất cho gia đình nghèo khó của mình.
Chia tay khu trọ của anh Tám, chúng tôi đồng cảm với những khó khăn của công nhân ngoại tỉnh. Nhưng chúng tôi cảm thấy vui bởi những dự định của họ trong năm mới.
Theo Giang Nam/Báo Người lao động