Thứ trưởng Lê Văn Thanh:
“Tạo việc làm bền vững giúp giảm thất nghiệp và sa thải lao động trung niên”
(Dân trí) - “Câu chuyện gần 200.000 cử nhân và kỹ sư thất nghiệp, lao động ngành may trên 35 tuổi có nguy cơ bị sa thải sẽ được giải quyết đáng kể nếu chúng ta đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách thị trường lao động, tạo việc làm bền vững, giảm thất nghiệp, dự báo cung cầu lao động...”
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục Việc làm diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.
Báo cáo của Cục Việc làm cho thấy, năm 2019, cả nước tạo việc làm khoảng 1.650 nghìn người, đạt 103,2% kế hoạch, bằng 100,1% so với thực hiện năm 2018, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1.508 nghìn người, đạt 101,9% kế hoạch.
Lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ước 3,12% (đạt 100% kế hoạch). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 61 - 62%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 24%.
Đánh giá công việc của Cục đã triển khai năm 2019, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định: “Về xây dựng thể chế trong năm 2019, Cục đã tham gia, hoàn thiện các quy định về việc làm, tuyển và quản lý lao động, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn Bộ luật Lao động”.
Tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước là 829.204 người trong năm 2019, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, số người được hỗ trợ học nghề là 41.856 người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng thời, Cục cũng tham gia soạn thảo nhiều dự thảo Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý lao động, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...
Ngoài ra, các nhiệm vụ chuyên môn cũng được Cục triển khai cụ thể tại 7 nhiệm vụ lớn, như: Phát triển thị trường việc làm, xây dựng chính sách cho lao động đặc thù, triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...
Chia sẻ nhận định về phát triển mô hình gắn kết cung cầu, Thứ trưởng Lê Văn Thanh gợi ý Cục Việc làm cần nghiên cứu thêm về mô hình sàn giao dịch việc làm online.
“Cục cần nghiên cứu thế mạnh của công nghệ, chỉ với 1 chiếc điện thoại di động, người lao động và người sử dụng lao động có thể ngồi tại nhà cũng có thể tham gia được mô hình sàn giao dịch việc làm online, nắm được thông tin của nhau và diễn biến thị trường lao động...” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Đồng thời, công nghệ 4.0 cần được khai thác để hỗ trợ tới công tác chuyên môn của Cục. Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý việc nghiên cứu ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ các công việc kết nối thông tin, xử lý văn bản trả lời, giải quyết các thủ tục liên quan của Cục trong thời gian tới.
Trong định hướng phát triển thị trường việc làm, Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý tới việc xây dựng chính sách nhằm chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức.
Lĩnh vực nông nghiệp thu hút đông lao động nhưng giá trị tạo ra chưa cao. Do đó, việc dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đây là một yếu tố quyết định cho việc tăng năng suất lao động và thu nhập của người lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, năm 2020 được xem như năm “bản lề” cho nhiều nhiệm vụ lớn về việc hoàn thành các chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đó, ngành LĐ-TB&XH cũng có nhiều nhiệm vụ nặng nề như xây dựng các thông tư, nghị định về các lĩnh vực của ngành, trong đó có các mảng xây dựng văn bản thuộc về lĩnh vực của Cục.
Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Lê Văn Thanh, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, nhấn mạnh công tác chuyên môn của Cục trong năm 2020.
“Trong thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu và nhờ các chuyên gia xây dựng báo cáo thị trường lao động, dự báo cung cầu hàng năm của riêng ngành, nghiên cứu mô hình sàn giao dịch việc làm quốc tế…” - ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Theo Cục Việc làm, năm 2019, các trung tâm DVVL tổ chức được 1.223 phiên giao dịch việc làm; số doanh nghiệp tham gia trung bình trong một phiên giao dịch việc làm khoảng 25-30 doanh nghiệp; số người lao động tham gia trong một phiên giao dịch khoảng 300-400 lao động...
Hoàng Mạnh