Tạo sức hút cho lao động thất nghiệp học nghề
(Dân trí) - Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề ngắn hạn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã quay trở lại thị trường lao động, có những người thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.
Một trong những quyền lợi của lao động thất nghiệp là được đào tạo, dạy
nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Do đó, việc tăng cường các giải pháp để thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề, chuyển đổi công việc, đảm bảo sinh kế lâu dài là điều các cơ quan chức năng hiện nay đang thực hiện...

Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hoá: “Điều dễ nhận thấy là đa số lao động thất nghiệp là lao động chính của gia đình, khi mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, nên người lao động quan tâm đến quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề.
Hơn nữa, nhu cầu học nghề của người lao động khá đa dạng, lại không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm laođộng đặc thù này gặp khó khăn.
“Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo; cơ chế tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa chú trọng ưu tiên người có trình độ sơ cấp nên chưa khuyến khích được lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề; “đầu ra” cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động...”, ông Trung nhấn mạnh.
Để khắc phục những bất cập trên, thu hút người lao động thất nghiệp tham gia học nghề, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài, thời gian qua, cơ quan chức năng của Thanh Hoá, cụ thể là Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá đã triển khai nhiều giải pháp tích cực.
Ông Lê Ngọc Hảo, Giám đốc TT DVVL Thanh Hoá cho biết, hằng năm, Trung tâm đều tổ chức hội nghị thông tin tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp để thu hút các trường, công ty tham gia đào tạo nghề, qua đó giúp cho người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề đào tạo.
“Cùng đó, Trung tâm chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng tôi chỉ mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, mong muốn của người học, bảo đảm đa số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp”, ông Hảo cho hay.
Ngoài ra, Trung tâm DVVLThanh Hoá cũng tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ thông tin cho người lao động về chính sách đào tạo nghề miễn phí trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tại các buổi kết thúc khóa học nghề, Trung tâm mời các đơn vị có nhu cầu đến tuyển dụng học viên, hoặc giúp lao động thất nghiệp được tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm công việc phù hợp, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thanh Hoá có khoảng 25.000 người dân, người lao động trong và ngoài nước về quê ăn tết, trong đó có nhiều lao động làm việc tại các tỉnh, thành khác có nhu cầu tìm việc mới tại quê nhà.
Cùng với đó là số lao động muốn chuyển đổi công việc đã đến Trung tâm làm thủ tục hưởng BHTN, đồng thời tìm kiếm thông tin việc làm mới. Chỉ tính trong 5 ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, đã có trên 4.000 người lao động đến giao dịch. Với nhu cầu tuyển dụng rất cao của các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội tốt để người lao động tìm cho mình một việc làm phù hợp.
Sau 5 năm rời quê vào Bình Dương làm công nhân tại một công ty giày da tại thành phố Dĩ An, chị Trần Thị Thảo ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá quyết định trở về quê. Để sớm ổn định cuộc sống, ngay sau tết chị đến Trung tâm làm thủ tục hưởng BHTN và đăng ký tìm việc.
Tại đây, chị nhanh chóng được kết nối với doanh nghiệp và được hẹn ngày phỏng vấn để tuyển dụng. Chị Thảo cho biết: "Ở Bình Dương, thu nhập những năm qua giảm sút. Tiền chi phí ăn ở, sinh hoạt đắt đỏ, chưa kể mỗi lần về quê tốn kém cả chục triệu đồng. Bố mẹ lại tuổi cao, hay đau ốm nên tôi về quê tìm việc làm để tiện bề chăm sóc. Dù thu nhập có thấp hơn nhưng lại giảm được một số chi phí nên cơ bản như nhau".
Cũng “bỏ phố về quê” sau một thời gian dài đối mặt với bộn bề khó khăn về công việc, thu nhập giữa thành phố lớn, vợ chồng anh Lê Ngọc Nam, Nguyễn Thị Hà ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá đã trở về với mong muốn thay đổi thực tại.
Để tìm cho mình cơ hội việc làm ở quê, anh chị đến Trung tâm để giao dịch. Sau khi được tư vấn, giới thiệu ngành nghề, chỗ làm trống... anh Nam chọn ứng tuyển vào Nhà máy Gạch men cao cấp Vicenza Thanh Hoá. Còn chị Hà, dù có kinh nghiệm trong nghề may, song chị vẫn chọn công việc khác cho thu nhập cao hơn, mục tiêu và môi trường làm việc tốt hơn... Đến nay, thu nhập của vợ chống anh Nam, chị Hà ổn định từ 12- 15 triệu đồng/tháng/người.
Thu Hương