Tăng tuổi nghỉ hưu: Khó áp dụng với cô giáo mầm non 50 tuổi

(Dân trí) - “Việc kéo dài 5 năm làm việc cho lao động có chức danh giáo sư hay tiến sĩ, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tính giờ làm thêm cho giảng viên đại học…cần có sự nghiên cứu thấu đáo và tính toán tới đặc thù ngành nghề, tuổi tác”.

Ông Nguyễn Hải Thập - Cục Phó Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục đào tạo), phát biểu thay mặt cho Bộ Giáo dục đào tạo tại cuộc họp lần cuối của Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động diễn ra chiều 14/5 tại Hà Nội.

Theo đó, Ban soạn thảo dự án cần lưu ý tới 4 điểm liên quan của người lao động ngành giáo dục.

Về đề xuất tăng khung làm thêm giờ làm thêm, ông Nguyễn Hải Thập cho rằng cần có cách nhìn nhận, đánh giá đặc thù của ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Hải Thập - Cục Phó Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GĐ ĐT) nói về các đề xuất trong dự thảo sửa đổi Luật lao động 2012.

“Tại nhiều cơ sở đào tạo đại học, không ít các giảng viên đã ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, rôbốt để giảm thiểu thời gian, công sức trong soạn giáo án, chuẩn bị học liệu. Với sự giúp sức trên, họ có thể nới dài thời gian làm việc” - ông Nguyễn Hải Thập nói.

Theo đó, đã có nhiều giảng viên đại học đã đề nghị nâng thời gian làm thêm lên 300 hoặc 400 giờ/năm, so với mức hiện nay là 200 giờ/năm.

Về đề xuất kéo dài thời gian làm việc thêm cho lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hoặc quản lý và một số trường hợp đặc biệt, Luật Lao động hiện hành cho phép kéo dài tuổi hưu tối đa 5 năm.

Ông Nguyễn Hải Thập cho biết, Thủ tướng mới đây đã ký ban hành một đề án cho phép kéo dài thời gian làm việc đối với những người đến tuổi nghỉ hưu là của nhà giáo, nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

“Như vậy, Nhà nước đã bỏ ra một khoản ngân sách lớn để đào tạo ở trong và ngoài nước với những người có trình độ cao. Nếu chỉ kéo dài thêm 5 năm như trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động thì sẽ lãng phí. Do đó, việc kéo dài tuổi hưu với những lao động có trình độ cao là hết sức cần thiết” - vị Cục phó Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nêu vấn đề.

Theo ông Nguyễn Hải Thập, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kéo dài tuổi hưu của nhóm lao động trên cho tới khi họ không còn đủ sức khoẻ hoặc tự nguyện không muốn làm việc nữa.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, đại diện Bộ Giáo dục đào tạo tại cuộc họp cho rằng, cần có sự phân loại tuổi nghỉ hưu của giáo viên: “Với giáo viên mầm non hay tiểu học, cô giáo tới tuổi 50 sẽ rất khó có thể hát, nhảy múa để hướng dẫn cho các cháu thiếu nhi được. Chưa kể tâm lý chung của các cháu khi học cô giáo lớn tuổi cũng không hào hứng bằng cô giáo trẻ tuổi. Điều này đã được ghi nhận ở nhiều cơ sở chứ không phải là sự phân biệt”.

Do vậy, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cần được nghiên cứu thấu đáo, không cần thiết phải kéo dài như các ngành khác tới 60 tuổi.

Về quy định thống nhất giờ làm việc cũng cần xem xét tới đặc thù của từng ngành, địa phương. Đơn cử như tại các thành phố lớn, nếu quy định thống nhất giờ làm việc sẽ có nguy cơ tắc đường.

“Khi đó, sinh viên, học sinh, cha mẹ đưa con đi học cũng như những người lao động khác cùng ra đường 1 thời điểm. Việc ách tắc khó tránh khỏi” - ông Nguyễn Hải Thập giải thích.

Hoàng Mạnh