Tăng lương tối thiểu cho người lao động

Ông Nguyễn Thế Quyết – Chủ tịch Công Đoàn các KCN tỉnh Bắc Ninh: Lương đủ sống, công nhân mới yên tâm làm việc

 Lương đủ sống, công nhân sẽ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Ảnh: Bắc Việt
 Lương đủ sống, công nhân sẽ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Ảnh: Bắc Việt

Tỉnh Bắc Ninh hiện có trên 157.000 CNLĐ đang làm việc tại 418 DN ở 8 KCN. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thế Quyết – Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh – cho biết, CNLĐ vẫn mong muốn lương tối thiểu được tăng ở mức đủ đảm bảo mức sống tối thiểu. Có như vậy cuộc sống mới đảm bảo bền vững, không bị phụ thuộc vào việc phải tăng ca, làm thêm việc khác để kiếm tiền.

- Thưa ông, chỉ tính trong tháng 1.2014, trên địa bàn Bắc Ninh đã xảy ra 8 vụ ngừng việc tập thể của CNLĐ. Liệu đó có phải là hệ quả từ việc CN có thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống?

So với nhiều tỉnh ở khu vực lân cận thủ đô, Bắc Ninh có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh, CNLĐ từ các nơi về đây làm việc với số lượng đông và ngày càng tăng. Đó là thuận lợi cho mục tiêu đẩy nhanh CNH-HĐH của địa phương, nhưng cũng là khó khăn cho tỉnh và tổ chức CĐ. Thực tế, nhiều DN chưa đưa ra được chiến lược chăm lo toàn diện cho NLĐ, nhất là đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập đủ sống cho họ.

Theo số liệu chính thức, 6 tháng đầu năm nay, thu nhập bình quân của CNLĐ tại 8 KCN ở tỉnh Bắc Ninh là 4,2 triệu đồng/người/tháng, mức cao so với mặt bằng chung ở khu vực. Dù vậy, có thể nói, mức thu nhập đó chưa đảm bảo cho họ có được cuộc sống tốt so với sức LĐ mà họ đã bỏ ra. Vì thế, quan hệ LĐ ở nhiều DN vẫn còn phức tạp, nhất là ở những thời điểm nhạy cảm như dịp cuối năm, các ngày lễ... rất dễ phát sinh những vụ ngừng việc tập thể của CNLĐ.

Không hài lòng với thời gian làm việc, nghỉ ngơi, với điều kiện làm việc chưa tốt... là NLĐ phản ứng bằng cách khá tiêu cực như vậy.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngừng việc tập thể vẫn là xuất phát từ tiền lương, tiền thưởng cho CN. Vì thế, dù tổ chức CĐ và các cơ quan chức năng trong tỉnh đã nỗ lực bám sát cơ sở, cùng các DN đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, động viên CNLĐ, nhưng những vụ ngừng việc tập thể vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng tới việc duy trì sự ổn định, phát triển của các DN.

- Như vậy, giải pháp tăng lương cho CNLĐ là cần thiết. Theo ông, với tình hình cuộc sống của CNLĐ Bắc Ninh hiện tại, lương tối thiểu từ đầu năm tới nên điều chỉnh tăng ở mức nào là hợp lý?

Tôi được biết, sau một vài phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đã có 2 mức đề xuất được đưa ra. Nếu thực hiện theo đề xuất của VCCI và Bộ LĐTBXH (tăng 14%) thì chưa thể khiến CNLĐ tạm hài lòng. Thực tế CNLĐ đang làm việc ở các KCN trong cả nước cũng như tỉnh Bắc Ninh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đồng lương ít ỏi của họ phải gánh cả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước với giá cao... nên đời sống thấp.

Có tình trạng đáng lo ngại là CNLĐ đang bị giảm sút nhanh chóng về sức khỏe và vì thế, không yên tâm làm việc, nhiều người đã tính chuyện về quê, bởi dù cố sức làm việc vất vả cũng không đủ sống chứ chưa nói đến việc có tích lũy phòng thân.

Những năm trước, mỗi dịp sau tết, các cấp CĐ Bắc Ninh phải dồn hết lực lượng bám cơ sở, động viên CNLĐ trở lại làm việc và còn phải phối hợp với các DN lo hỗ trợ thêm cho những người đặc biệt khó khăn. Từ năm ngoái đến nay, do mức thu nhập khá hơn nên tình trạng CNLĐ bỏ việc giảm hẳn. Căn cứ vào tình hình thực tế và để giúp các DN có khả năng tồn tại và phát triển, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức điều chỉnh tăng thêm 19,6% theo tôi là hợp lý.

 Lúc đó, lương tối thiểu của CNLĐ ở vùng I cộng thêm một số khoản phụ cấp khác như tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần, xăng xe, đi lại... mới có thể có thu nhập ở mức 3,5 – 4 triệu đồng/tháng, dù chưa đủ đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng tạm thời giúp họ vơi bớt khó khăn. Từ đó, CNLĐ mới yên tâm làm việc và quan hệ LĐ trong DN bớt căng thẳng.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Phạm Chí/Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm