Tăng lương công chức, viên chức: Có thể sau 1/7/2016?

(Dân trí) - “Đầu năm 2016, Chính phủ phải tăng hơn 8.000 tỉ đồng để bổ sung nguồn xử lý các chính sách giảm nghèo bền vững. Do đó, trật tự ưu tiên tăng lương từ đầu năm có lẽ chưa thực hiện được. Tuy nhiên, sau tháng 3/2016, vấn đề tăng lương có thể được đặt ra…”


Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng được cho là chưa đáp ứng được đời sống công chức, viên chức.

Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng được cho là chưa đáp ứng được đời sống công chức, viên chức.

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - chia sẻ quan điểm cá nhân trong chương trình Vấn đề hôm nay của VTV tối 2/11, về những vướng mắc trong tăng lương cũng như những giải pháp điều chỉnh.

Tăng lương công chức, viên chức đang là vấn đề nóng bởi gần 3 năm nay, gần 3 triệu công chức, viên chức vẫn hưởng lương cơ sở “giậm chân” ở mức 1.150.000 đồng.

Trong khi đó, từ năm 2013 tới nay, mức lương tối thiểu tăng đều đặn tăng trên 10 % mỗi năm. Thậm chí, mức lương tối thiểu vùng 4 (vùng thấp nhất trong 4 vùng lương) cũng đã cao hơn gấp 2 lần so với lương cơ sở.

Ngân sách Nhà nước luôn có nhiều khoản chi ưu tiên, vấn đề là chúng ta xắp sếp sự ưu tiên đó ra sao và lương công chức, viên chức nằm trong thứ tự nào của sự ưu tiên đó, thưa ông?

- Tiền lương tăng phải đảm bảo nguyên tắc: Tốc độ tăng lương chậm hơn năng suất lao động. Về trật tự ưu tiên, năm 2016 sẽ có sự thay đổi. Vì từ năm 2016, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức chuẩn nghèo thu nhập từ mức 400.000 đồng/người lên mức 700.000 đồng/người (khu vực nông thôn) và từ 500.000 đồng/người lên 900.000 đồng/người (khu vực đô thị).

Vì vậy, đầu năm 2016, Chính phủ phải tăng hơn 8.000 tỉ đồng để bổ sung nguồn xử lý các chính sách giảm nghèo bền vững. Do đó, trật tự ưu tiên tăng lương từ đầu năm có lẽ là chưa thực hiện được.

Cũng phải nói thêm, từ năm 2013, chúng ta đã cân đối được và tăng thêm 100.000 đồng cho lương cơ sở từ mức 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng. Tức là tăng 9,5 %.

Từ 2014, chúng ta điều chỉnh tăng 8% tiền lương cho người có công, người hưu trí và công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hệ số lương dưới 2,3.

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nhiều quan điểm cho rằng, với hiệu suất làm việc như hiện nay, thu nhập 6-7 triệu đồng/ người vẫn còn cao với đội ngũ cán bộ công nhân viên chức. Quan điểm của ông về điều này ra sao?

Nếu đại bộ phận người lao động hưởng lương bằng nguồn thực tế như vậy thì sẽ rất khó khăn. Trong hệ thống thang bảng lương, tất cả công chức đều được hưởng theo hệ số lương ngoài mức lương cơ sở.

Ngoài khoản hệ số lương nhân với lương cơ sở, công chức có thêm các khoản phụ cấp lương theo chức vụ, theo ngành nghề lĩnh vực rất đa dạng.

Do vậy, chúng ta phải tái cấu trúc lại hệ thống tiền lương.

Để làm nhằm mục tiêu lương chính phải cao hơn các phần phụ cấp lương. Các khoản phụ phải được hiểu với đúng tính chất là khoản phụ chứ không thể đổi thành khoản chính. Vì đôi khi, khoản phụ cấp hiện còn cao hơn phần chính.

Giống như mức lương tối thiểu của lao động khu vực doanh nghiệp, mức lương cơ sở - 1.150.000 đồng - cũng được cho là chưa đáp ứng được đời sống của công chức, viên chức.

VN hiện có khoảng 3 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Vậy, có nên tăng lương đồng đều hay không hay chỉ tập trung vào nhóm cụ thể?

Với khu vực viên chức, chúng ta phải đi tuân theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tức là khoán chi phí “đầu ra” cho các dịch vụ công.

Còn việc điều chỉnh mức tăng lên, nên tham khảo đợt tăng 8 % của năm trước. Theo đó, chúng ta không nên bình quân mà nên ưu tiên cho những nhóm có lương thấp, ví dụ người có lương dưới 2,34 hoặc người hưu trí từ tháng 4/1993.

Ngoài ra, nhóm khoảng 200.000 người hưu trí có mức lương hưu trên 10.000.000 đồng/người/tháng có lẽ điều chỉnh ở mức thấp hơn. Cá biệt có người hưởng hơn 60.000.000 đồng/tháng. Nếu chúng ta cứ tăng 8% thì có nghĩa là phần tăng thêm đã cao hơn bình quân của lương người về hưu.

Vậy có cần thiết không? Vậy chúng ta nên ưu tiên cho đối tượng có lương thấp hơn.

Giải pháp để có nguồn tiền tăng lương thì phải giảm chi thường xuyên tiếp khách, đi nước ngoài, hội họp… ý kiến ông ra sao?

Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành, cơ quan hành chính phải tiết kiệm chi hành chính 10%. Chúng ta vẫn phải tiếp tục hạn chế các khoản chi hành chính để chúng ta có nguồn.

Năm nay, nguồn tăng thu ngân sách nhà nước là 16.000 tỉ đồng, chủ yếu là tăng nguồn thu từ ngân sách địa phương. Vì vậy, ngoài việc tiết kiệm chi hành chính, chúng ta phải đồng chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Hai nguồn này cần phải tiết kiệm để cải cách tiền lương.

Do đầu năm 2016 chưa thể tăng lương vì phải thực hiện giảm nghèo bền vững, tôi có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nên báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tháng 3/2016, cố gắng điều chỉnh tăng thêm mức lương cơ sở vào 1/7/2016.

Còn căn cơ, chúng ta vẫn phải thực hiện các giải pháp giảm nhẹ biên chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển sự nghiệp công sang khoán chi theo kết quả “đầu ra”.

Ông Đặng Ngọc Tùng - Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai: Là một đại biểu Quốc hội, đại diện cho người lao động, trong đó có cả cán bộ cong nhân viên chức Nhà nước. Tôi đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa các khoản chi không cần thiết, đặc biệt là khoản chi hội thảo, hội họp, đi nước ngoài, xe công…Tổ chức công đoàn cũng có kiến nghị với Chính phủ cố gắng tiết kiệm các khoản khác để sang năm 2016 tăng thêm lương cơ sở ở mức 5%.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Tôi cũng chia sẻ khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ trong điều kiện hiện nay. Tôi mong muốn chủ động bố trí nguồn từ việc từ tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả quản lý để tạo nguồn thực hiện việc điều chỉnh tiền lương.

Hoàng Mạnh (lược ghi)