“Không tăng lương cho công chức theo đúng lộ trình là đáng tiếc”

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) khẳng định, lộ trình tăng lương cho cán bộ công chức không thực hiện được là điều đáng tiếc.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, chuyện công chức “nhịn” tăng lương trong nhiều năm qua do lộ trình tăng lương không thực hiện được, đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Đã ra chính sách thì phải cố thực hiện

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) khẳng định, lộ trình tăng lương cho cán bộ công chức không thực hiện được là điều đáng tiếc. Đại biểu cho rằng, một khi đã đưa ra chính sách thì phải cố gắng thực hiện theo đúng lộ trình.

Hiện nay, ngoài lương của hệ thống lương chung cho cán bộ công chức viên chức, nếu họ không có thu nhập khác thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng này thời gian qua rất hy vọng vào lộ trình tăng lương của Chính phủ, tuy nhiên đành ngậm ngùi.

“Tôi cho rằng Chính phủ phải tính toán lại. Khi đưa ra chính sách cần cố gắng thực hiện, nếu không sẽ làm mất lòng tin của nhân dân. Đành rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, chúng ta phải thông cảm với nhà nước. Tuy nhiên, nếu không tăng được theo ý muốn đầu tiên, thì cũng phải tăng ở tỷ lệ phần trăm nhất định nào đó” – ông Trần Ngọc Vinh nói.

Nói về tăng lương tối thiểu vùng 12,4%, ông Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh, điều này sẽ góp phần tái tạo sức lao động để tạo ra nhiều sản phẩm cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, phía doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với công nhân. Đại biểu cho rằng, đề xuất 14,4% (tăng thêm 2%) của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là hoàn toàn hợp lý, chính đáng vì bảo vệ quyền lợi của người lao động khi đời sống của họ còn gặp rất nhiều khó khăn.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định: “Tổng Liên đoàn là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động tiếp tục đề nghị Thủ tướng nâng lên 2% nữa. Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức đúng đắn và đúng vai trò của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công nhân viên chức.

Tuy nhiên, kể cả lên lương đi chăng nữa thì tiền lương mới đảm bảo được 70% giá thị trường hiện nay. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Đồng ý chúng ta phải thông cảm với các doanh nghiệp, nhưng người lao động đồng lương không đủ sống thì họ sẵn sàng đi tìm cách khác, làm việc khác”.

Lấy tiền đâu để tăng lương cho công chức?

Phát biểu tại Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, tăng lương cho đối tượng cán bộ viên chức là cần thiết và được bàn thảo nhiều lần. Tuy nhiên, báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết không có nguồn để tăng lương cơ sở trong năm tới.

Cụ thể, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 phải tiếp tục bù để điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công; tiền lương đối với những đối tượng công chức, viên chức có thu nhập thấp (hệ số 2,34) và bố trí thêm 1.500 tỷ đồng để điều chỉnh tăng lương đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hiện dưới 2 triệu đồng.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - (đoàn Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng: "Nếu điều kiện mà cải cách, nâng được tiền lương cơ sở cho khu vực công chức thì đó chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động". Tuy nhiên, đại biểu Lợi cũng đưa ra với lý do chưa thể tăng lương, trước hết là do ngân sách chưa đáp ứng được mà tiền lương khu vực này là hoàn toàn do ngân sách chi trả, không như với khu vực sản xuất kinh doanh thực hiện lương thỏa thuận.

Trong khi đó, bộ máy hành chính vẫn chưa được cải cách, liên tục phình ra và năng suất lao động ở khu vực công đang “có vấn đề”. Những thành phần công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhiều thì làm sao cải cách được tiền lương.

"Trong khi ngân sách không cân đối được, thì một là phải tăng nợ công lên, hai là phải vay để cải cách tiền lương” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, không thể đi vay để tăng lương mà quan trọng và nên cắt giảm như chi phí công không cần thiết, lãng phí để “dành tiền tăng lương”.

Đại biểu Trần Du Lịch
Đại biểu Trần Du Lịch

Ông Trần Du Lịch đề nghị: Những khoản tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, kỷ niệm ngành, đi “nước ngoài nước trong”… rất tốn kém cho ngân sách. Quốc hội quyết ngân sách cần cắt hết những khoản này. Chúng ta đừng biến đi nghiên cứu, du lịch để nhà nước phải trả tiền. Cắt được những khoản này sẽ dành tiền cho những chuyện khác.

Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Chúng ta cần xem lại toàn bộ cách chi như vậy. Bộ máy cứ phình ra. Tôi tin rằng năm tới sẽ triển khai các luật mới, bộ máy phình nữa thì lấy gì mà tăng lương? Tôi đề nghị Quốc hội bàn phải cắt cái gì để năm 2016 giải quyết tiền lương. Đọc báo tôi thấy suốt ngày đủ loại kỷ niệm, sao mà có tiền được. Mà tất cả chuyện đó là tiền ngân sách, tiền đóng thuế chứ có ai bỏ tiền túi đâu”.

Ông Trần Ngọc Vinh cũng đề xuất: Chính phủ cần phải xem xét cắt giảm khoản nào đó hoặc những chi tiêu công để cố gắng thực hiện được lộ trình đề ra.

Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: “Về lâu dài, dứt khoát phải thực hiện việc nâng lương cơ sở theo đúng lộ trình. Khi năng suất lao động tăng lên thì tiền lương nhất thiết phải tăng theo, để tiền lương đúng với ý nghĩa là đòn bẩy để tăng năng suất lao động”.

Theo VOV.VN