1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng lương cho cán bộ, công chức trong đó có nhân viên y tế từ 1/7

Lê Hoa

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung cơ chế bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế, tương xứng với công sức và đặc thù công việc.

Cần chính sách tiền lương riêng cho ngành y tế

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 29/5, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng, tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng được quan tâm và đã bước đầu triển khai tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội khóa XV.

Từ ngày 1/7, nhà nước thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhân viên y tế nói chung lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Trước đó, từ đầu năm 2023 đã điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực, kết quả đã làm được và chỉ ra cụ thể những bất cập trong chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế.

Tăng lương cho cán bộ, công chức trong đó có nhân viên y tế từ 1/7 - 1

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết của Quốc hội nêu khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

"Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc gây rúng động trong dư luận xã hội, điển hình như vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội hay vụ án nhận hối lộ để đưa công dân từ nước ngoài về nước trong các chuyến bay giải cứu", đại biểu Phạm Thị Kiều nói.

Không chỉ riêng vụ án tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, đại biểu này đề nghị khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc nêu trên, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid - 19 trong thời gian qua.

Nữ đại biểu của Đắk Nông cũng đề xuất một số nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thay đổi cơ chế, chính sách, văn bản giao dự toán, tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế cho cơ sở y tế linh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ.

Trong đó, có chính sách hỗ trợ đào tạo ưu tiên cho các tỉnh để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế cơ sở, phục vụ nâng cao sức khỏe cho người dân tại địa phương. 

Đối với Chính phủ, đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Nông đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đối với viên chức hành chính, dân số, hợp đồng chuyên môn và hợp đồng lao động phổ thông, để viên chức yên tâm công tác; thay đổi, tăng mức phụ cấp trực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, nhà nước cần ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế; xem xét cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác; tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức giá hiện nay. Đặc biệt, cần nghiên cứu chính sách tiền lương dành riêng cho ngành y tế.

Nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng

Qua nghiên cứu báo cáo giám sát của Quốc hội, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục.

Chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Tăng lương cho cán bộ, công chức trong đó có nhân viên y tế từ 1/7 - 2

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Ảnh: Quochoi.vn).

"Nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu. Số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông… Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc có chiều hướng gia tăng", đại biểu Phạm Đình Thanh nhận định.

Đánh giá nguyên nhân, đại biểu cho rằng, do cơ sở vật chất trang thiết bị yếu, lạc hậu, hoạt động dựa vào nguồn thu ngân sách nhà nước nên khó khăn trong hoạt động. Cơ hội thăng tiến với nhân viên y tế cơ sở vừa ít vừa khó khăn. Chính sách đãi ngộ chưa đủ. Nhân viên y tế có sự so sánh yêu cầu công việc và chế độ đãi ngộ hiện nay.

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các chính sách pháp luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ý kiến khác từ cơ sở là mong Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc.