Tân cử nhân lo thiếu việc làm dù Covid-19 tạm lắng

Phạm Công

(Dân trí) - "Công việc của tôi không theo ngành kỹ sư đã học mà là phụ vữa cho thợ xây với lương khởi điểm hơn 5 triệu đồng/tháng. Biết chuyện, bố tôi bảo thế mà phải mất tận 5 năm đi học đại học...!".

Anh Nguyễn Văn Hải (quê ở Phú Xuyên, Hà Nội), kỹ sư ngành xây dựng (ĐH Giao thông Vận tải) chia sẻ sau 2 tháng bắt đầu đi làm tại một công ty xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.

Ra trường thời khó

Trao đổi với PV, anh cho biết công việc được giao không phải theo chuyên ngành kỹ sư đã học mà là phụ vữa cho thợ xây với mức lương khởi điểm hơn 5 triệu đồng/tháng. "Biết chuyện, bố tôi bảo thế mà phải mất tận 5 năm đi học!", anh nói.

Ban đầu, công ty nhận anh Nguyễn Văn Hải vào làm sau 2 năm thực tập với đầy hứa hẹn về vị trí công việc và mức lương. Đến khi ra trường, công ty ít việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sắp xếp anh Nguyễn Văn Hải đi làm tạm thời phụ vữa với lý do lấy kinh nghiệm.

Tân cử nhân lo thiếu việc làm dù Covid-19 tạm lắng - 1

Nhiều bạn trẻ lo lắng khi ra trường trong thời kỳ thị trường lao động khó khăn 

Theo anh Nguyễn Văn Hải, một phần do nghề kỹ sư xây dựng là ngành hẹp, khó xin việc lại đòi hỏi kinh nghiệm. Trong khi thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người có kinh nghiệm nhảy việc khiến cho tân cử nhân như anh chấp nhận làm công việc này.

"Nhiều lúc chán nản chỉ muốn về quê tìm đại một công việc gì đó cho xong, nhưng ngẫm đi ngẫm lại bố mẹ đã vất vả chu cấp cho mình ăn học, mong muốn tìm được một công việc tốt lại thôi"- anh Nguyễn Văn Hải ngán ngẩm kể.

Không "dính" ngành hẹp như anh Hải, nhưng chị Phan Huyền Thương quê ở Thường Tín, Hà Nội đang là sinh viên năm cuối ngành tài chính doanh nghiệp của một trường đại học ở Hà Nội cũng không khỏi lo lắng.

Vẫn được xem là một ngành học "hot", dễ kiếm việc, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là chị ra trường. Hàng chục hồ sơ "rải" khắp Hà Nội cùng rất nhiều đơn xin việc qua email nhưng đến nay chị vẫn chưa nhận được bất kỳ một phản hồi nào.

Tân cử nhân lo thiếu việc làm dù Covid-19 tạm lắng - 2

Chị Phan Huyền Thương vừa hoàn thành xong 2 tháng đi thực tập mới nhận thấy sự "vênh" giữa kiến thức được học và thực tế công việc khi ra trường khác nhau rất nhiều. Điều này khiến chị và nhiều bạn học cùng lớp không khỏi bỡ ngỡ.

"Nhiều bạn trong lớp tôi, khi thực tập ở doanh nghiệp làm bộ hồ sơ xuất kho cũng phải sửa đến 5-7 lần. Trong khi đó đa phần doanh nghiệp có nhu cầu tuyển người làm được việc luôn. Thay vì sẽ có một số bạn được giữ lại thành nhân viên chính thức của công ty như các khóa trước thì năm nay, lớp tôi không có một ai" - chị Phan Huyền Thương chia sẻ.

Không quá lo lắng

Đánh giá về những câu chuyện trên, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: "Cơ hội việc làm ở thị trường sau dịch bệnh vẫn hết sức cởi mở. Trong thời gian tới, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt được công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp có sự hỗ trợ và giải pháp từ phía Chính phủ để hướng tới sự phục hồi sau dịch thì thị trường tuyển dụng sẽ có sự sôi động nhất định".

Ông Vũ Quang Thành nhận định, thời điểm sắp tới cũng là cơ hội rất rõ rệt dành cho sinh viên mới ra trường khi các doanh nghiệp dần phục hồi.

Tuy nhiên, lực lượng sinh viên mới ra trường sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của lực lượng lao động mất việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Tân cử nhân lo thiếu việc làm dù Covid-19 tạm lắng - 3

Người lao động tìm việc ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội 

"Thị trường lao động tại thời điểm nào cũng diễn ra sự cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tiếp nhận lao động chưa có kinh nghiệm vào làm việc, phụ thuộc vào vị trí tuyển dụng, mức lương người lao động mong muốn…Cũng không ít doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường, để về đào tạo sao cho phù hợp với Phương thức hoạt động, máy móc của họ" - ông Vũ Quang Thành thông tin.

Đối với lực lượng lao động trẻ, chuẩn bị ra trường, ông Vũ Quang Thành cho rằng, đầu tiên các bạn cần xác định rõ công việc mình mong muốn, tìm hiểu sâu hơn về tính chất công việc xoay quanh vị trí việc làm sẽ ứng tuyển và sẵn sàng bước chân vào thị trường lao động.

"Bên cạnh đó, lao động trẻ cần nắm chắc Luật lao động, chế độ quyền lợi và nâng cao trình độ bản thân qua các kỹ năng như, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống…" - ông Vũ Quang Thành chia sẻ.

Theo Tổng Cục thống kê, sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi" của nhiều lao động sau kì nghỉ Tết Nguyên đán.