Tâm sự của nữ lao công thu dọn rác xuyên đêm dịp đầu năm Canh Tý
Hơn 10 năm nay, bà Đỗ Thị Trịnh (56 tuổi), công nhân thu gom rác, thuộc tổ 2 Thanh Xuân Trung (Hà Nội) của Hợp tác xã Thành Công, vì công việc nên bà đều đón giao thừa ở "ngoài đường".
Hơn 10 năm nay, bà Đỗ Thị Trịnh (56 tuổi), công nhân thu gom rác, thuộc tổ 2 Thanh Xuân Trung (Hà Nội) của Hợp tác xã Thành Công, vì công việc nên bà đều đón giao thừa ở "ngoài đường".
Hơn 20h tối mùng 2 Tết Nguyên đán 2020, bà Trịnh cùng đồng nghiệp là ông Nguyễn Văn Tiệp (51 tuổi, ở khu Cầu Diễn) vẫn đợi xe đến cẩu những thùng rác tại khu vực đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Hôm nay với bà công việc nhàn hơn đêm 30 Tết. Hôm ấy, trời Hà Nội mưa to, rác nổi lềnh bênh, bà cùng đồng nghiệp phải lội nước để thu gom. Rác ngấm nước, nặng trịch khiến xe đẩy cũng khó khăn hơn. "Đêm 30 rác chất thành "núi", bà ví von.
Đối với bà Trịnh, năm nay là năm thứ 14 bà không được đón Tết cùng gia đình. Bà cùng với ông Tiệp làm ca đêm, phải thu gom rác từ sáng đến tối, rồi đợi xe đến cẩu rác đi.
Bà chia sẻ, ngày mùng 2 bao giờ cũng là nhiều rác nhất trong những ngày Tết, ngoài ngày 30. Mấy hôm nay, bữa cơm tối với bà thường bắt đầu lúc 23h đêm hoặc muộn hơn như đêm giao thừa (khoảng 1-2h sáng mùng 1 Tết bà mới về đến nhà).
Theo bà, từ ngày 28 đến mùng 2 Tết, cơ quan trả lương gấp 3 lần (180.000 đồng/ngày, ngày Tết là 540.000 đồng) nên cũng cố gắng tranh thủ kiếm thêm chút tiền trang trải.
"Nói thật với chú, một phần vì tiền được tăng 3 lần trong các ngày Tết, song tôi thấy yêu công việc này mà cố gắng làm thôi", bà Trịnh chia sẻ.
14 năm nay, bà chưa được cúng giao thừa, mọi việc đều do chồng làm, mà đáng lẽ ra đó là công việc của người phụ nữ trong nhà. Bà bảo, nhiều lúc cũng tủi thân, khi thấy không khí xuân, người người quây quần bên gia đình, hoặc đi xem bắn pháo hoa, đón năm mới.
Nói vậy, song bà nở nụ cười tươi cho hay, làm sạch sẽ đường phố thủ đô để người dân đi chơi cũng là niềm vui, an ủi đối với bản thân.
"Nhiều khi, có gia đình thấy tôi gom rác, cho thức ăn, đồ uống, hoặc gọi vào nhà...", bà chia sẻ. Song gom rác rồi đưa ra điểm tập kết để xe đến cẩu đi đều có thời gian nên bà chỉ biết cảm ơn họ. Ngay cả khi họ gửi hộp đồ ăn, bà cũng không có thời gian nghỉ để ăn, phải mang về nhà, lúc đã đêm muộn, hoặc rạng sáng.
"Tôi chỉ mong muốn năm mới, người dân đổ rác đúng nơi quy định, hợp tác xã làm ăn thành đạt để công nhân chúng tôi được lương cao hơn", nữ công nhân nhiều tuổi nhất tổ 2, tâm sự ngày đầu năm mới.
Câu chuyện chưa dứt, xe cẩu tới, bà Trịnh cùng đồng nghiệp Tiến đẩy hơn 10 xe rác chất cao ngất để di chuyển về bãi Nam Sơn.
Xe hôm nay tới muộn, nên công việc của bà và ông Tiến đến hơn 22h đêm mới kết thúc. Bà dọn dẹp chỗ rác rơi rớt lại, sắp xếp các xe ngay ngắn, khóa cẩn thận rồi mới về nhà. Ngày mai (mùng 3 Tết), bà lại tiếp tục công việc của 14 năm nay, làm sạch đẹp đường phố thủ đô.
Dưới đây là một số hình ảnh của bà Trịnh và ông Tiến trong ngày làm việc đêm mùng 2 Tết Nguyên đán 2020.
Theo Việt Dũng/Lao động