Tại sao bạn vẫn chưa được tuyển dụng?

(Dân trí) - Năm qua, bạn đã liên tục cập nhật sơ yếu lí lịch của mình, tận dụng tối đa mạng lưới quan hệ và thường xuyên tham gia phỏng vấn nhưng vẫn chưa nhận được một lời đề nghị công việc nào cả. Tại sao vậy? Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chính bạn:

 

1. Bạn đã không trung thực

Bất cứ lời nói dối nào quá trình tìm việc, dù trong sơ yếu lí lịch hay trong cuộc phỏng vấn sẽ khiến bạn tự đánh mất cơ hội của mình. Theo một thống kê của trang web CareerBuilder, 49% nhà tuyển dụng đã phát hiện ra ứng viên không trung thực và tự động loại bỏ họ. Mọi điều giả dối sớm muộn sẽ bị phơi bày. Do đó, bạn hãy thành thật ngay từ đầu. Nếu bạn có điều gì không rõ ràng trong quá khứ, hãy giải thích câu chuyện trong thư đi kèm. Bên cạnh đó, bạn nên tập trung vào sức mạnh và những thành công của mình.

 

2. Bạn nói xấu công ty cũ

44% nhà tuyển dụng cho biết nói xấu công việc cũ hoặc hiện tại là một trong những sai lầm gây bất lợi nhất cho ứng viên. Kể cả khi không còn làm việc cùng họ, bạn cũng không nên " xả " hết trách móc, than vãn về  những việc đã qua với người phỏng vấn. Nếu là người khôn khéo, bạn nên chuyển những điểm tiêu cực đó theo hướng tích cực hơn. Ví dụ, nếu mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp không tốt, hãy nói với người phỏng vấn rằng bạn mong muốn được làm việc trong một môi trường mà mình là một phần trong nhóm, mọi người hoà hợp với nhau nhưng vị trí hiện tại ( hoặc cũ ) không làm bạn thoả mãn về điều đó.

 

3. Bạn không thể hiện được tiềm năng dài hạn của mình

Nhà tuyển dụng luôn muốn tìm kiếm những người có khát khao cống hiến và làm việc tốt nhất cho công ty. Vì thế bạn hãy chứng tỏ mình muốn và có khả năng phát triển cùng tổ chức. Nếu được hỏi tới tương lai của bạn trong 5 năm tới, bạn lại đưa ra câu trả lời không liên quan tới vị trí hoặc công ty bạn đang dự tuyển, cơ hội thành công của bạn rất thấp. Thay vào đó, hãy hỏi lại:" Ứng viên thành công cho vai trò này sẽ có bước tiến sự nghiệp ra sao trong công ty?" Điều đó chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng bạn có tham vọng gắn bó với công ty.

 

4. Bạn để lại bằng chứng không có lợi trên mạng

Các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm trực tuyến là cách tìm việc phổ biến nhất hiện nay. Thống kê cho thấy 45% nhà tuyển dụng tìm người và kiểm tra qua Internet. 35% trong số họ đã tìm thấy nội dung chống lại ứng viên. Do đó, hãy đảm bảo bạn không post ảnh, nội dung, đường link không lành mạnh như nói xấu công ty, sếp cũ trên mạng. Đừng đánh mất cơ hội chỉ vì những hành động nông nối nhất thời của mình.

 

5. Bạn không biết gì về công ty

Theo 2 điều tra riêng biệt của trang CareerBuilder, 58% nhà tuyển dụng nói rằng tham gia cuộc phỏng vấn mà không có kiến thức cơ bản về công ty là điều không chấp nhận được. Và 49% bổ sung thêm không đặt ra được câu hỏi hay cho nhà tuyển dụng cũng khiến ứng viên đánh mất cơ hội nhận được lời đề nghị công việc. Giải quyết vấn đề này, rất rõ ràng và đơn giản, hãy làm bài tập về nhà trước khi đi phỏng vấn: tìm hiểu công ty qua Internet, báo chí; chuẩn bị câu trả lời và nhờ ai đó giúp bạn luyện tập trong một cuộc phỏng vấn giả. Bạn càng chuẩn bị tốt, điểm của bạn sẽ càng cao.

 

6. Bạn hành động buồn chán, tự kiêu hoặc không hứng thú trong cuộc phỏng vấn

43% nhà tuyển dụng cho biết một trong những sai lầm lớn nhất của ứng viên là tới cuộc phỏng vấn với khuôn mặt buồn rầu, tự kiêu, không quan tâm. Mọi ngành nghề đều muốn nhân viên nhiệt tình nhất làm việc với những khách hàng quan trọng. Do đó, khi tìm việc, ít nhất bạn cũng nên chứng tỏ với nhà tuyển dụng nguồn năng lượng dồi dào, sự nhiệt tình có thừa của mình.

 

7. Bạn cung cấp quá chi tiết thông tin cá nhân

17% nhà tuyển dụng cho biết cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân trong cuộc phỏng vấn là điều không cần thiết. Những thông tin cá nhân không chỉ khiến nhà tuyển dụng bị xao nhãng mà bạn còn tự tạo cho mình định kiến khi nói quá cụ thể về sở thích, tôn giáo, sắc tộc… Dù không có cớ gì nhà tuyển dụng lại phân biệt đối xử với ứng viên về những điều đó nhưng một số người vẫn làm vậy. Do đó, đảm bảo thông tin bạn đưa ra là cần thiết và phù hợp.

 

8. Bạn chỉ quan tâm tới tiền bạc

Một nguyên tắc chung là bạn không bao giờ nên khơi mào vấn đề tiền lương trước nhà tuyển dụng. Làm vậy là quá trơ và khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn chỉ quan tới tiền bạc chứ không màng tới lợi ích của công ty. Tuy nhiên, nếu vấn đề được đưa ra, hãy trung thực về mức lưong trong quá khứ của bạn. Ngày nay, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xác định được chúng, vậy chớ dại gì lại nói dối.

 

9. Bạn không hoặc không thể đưa ra ví dụ về thành tựu của mình

Công ty nào cũng muốn nhân viên chứng tỏ được khả năng của mình như làm tăng doanh thu, giảm chi phí sản suất hoặc giúp ích ở một phương diện nào đó. Nếu tất cả những gì bạn có thể đưa ra là sự im lặng về thành công và không minh hoạ được mình sẽ cống hiến cho công ty ra sao, tất nhiên họ sẽ không hứng thứ với bạn. Do đó, tối thiểu bạn cũng phải thể hiện được khả năng của bản thân nếu muốn được tuyển dụng.

 

10. Bạn không có đủ kinh nghiệm

Người quản lí không có nhiều thời gian để đào tạo, hướng dẫn nhân viên. Họ sẽ thiên về tuyển những nhân viên có sẵn kinh nghiệm hơn là người chưa có. Vì thế bạn phải đưa ra được những minh hoạ cụ thể về kinh nghiệm liên quan tới công việc mình đăng kí.

 

Vũ Vũ

Theo CB