Tai nạn lao động tập trung ở ngành nghề khai khoáng, công nghiệp chế tạo
(Dân trí) - Các vụ tai nạn lao động xảy ra đa số trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng…
Ngày 24/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024. Trọng tâm hành động của năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng".
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 289 vụ tai nạn lao động làm 289 người bị nạn; trong đó có 5 người chết, 29 người bị thương nặng.
Trong số 289 vụ tại nạn lao động, có 45 vụ do lỗi của người sử dụng lao động; 175 vụ do lỗi của người lao động, làm 5 người chết; 69 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh.
Các vụ tai nạn lao động xảy ra đa số trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như khai khoáng (20%), công nghiệp chế biến chế tạo (51,2%), xây dựng (15,9%), các ngành nghề khác (12,9%).
Phân theo nguyên nhân, có 8 vụ do không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; 5 vụ do người lao động chưa được tập huấn an toàn lao động; 10 vụ do tổ chức lao động chưa hợp lý; 12 vụ không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn;
5 vụ không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; 5 vụ điều kiện làm việc không tốt; 167 vụ do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn; 8 vụ do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; 69 vụ do nguyên nhân khác.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tình trạng vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ, vi phạm các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm, kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại cơ sở, kế hoạch tự kiểm tra về ATVSLĐ…
Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, không bố trí hoặc bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chưa đúng quy định; hoạt động của mạng lưới ATVSLĐ chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý vật liệu nổ công nghiệp còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành chưa nghiêm các quy định về kỹ thuật an toàn trong phòng, chống cháy nổ.
Mục tiêu trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới trên địa bàn.
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động về công tác ATVSLĐ...
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Nam - cho hay, tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm là dịp để các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổng kết, đánh giá về công tác ATVSLĐ; việc tuân thủ chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.
Ngoài ra, nhận diện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng cường thực hiện tốt chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, chăm lo sức khỏe người lao động.
"Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về ATVSLĐ là góp phần tích cực để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nâng cao năng suất lao động, là động lực để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển ngày càng bền vững", bà Trương Thị Lộc phát biểu.
Tại lễ phát động, có 3 tập thể được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen; 10 tập thể, cá nhân được Cục trưởng Cục an toàn lao động Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tặng Giấy khen về thành tích trong công tác trong năm 2023.