1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tai nạn lao động: ‘Chúng tôi muốn khởi tố cũng không được’

Mỗi năm cả nước có khoảng 12 vụ tai nạn lao động bị đề nghị khởi tố. Tuy nhiên, số vụ khởi tố được chỉ chiếm 1 nửa bởi phụ thuộc vào cơ quan công an và viện kiểm sát

Đó là thông tin được công bố tại buổi Tọa đàm trực tuyến Giải pháp an toàn cho người lao động trong xây dựng do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức vừa được tổ chức cuối tháng 7/2015.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất trong những năm qua là ngành xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp, chiếm 30% tổng số vụ tai nạn lao động trên cả nước.

Riêng trong năm 2014, đã xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động khiến gần 7.000 người bị nạn, trong đó có 592 vụ gây chết người.

Điển hình mới nhất là vụ sập giàn giáo tại công trường Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa; hai vụ sập giàn giáo liên tiếp tại công trình 4 tầng ở Hậu Giang vào chiều ngày 09/07/2015 và tại công trình 17 tầng tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng 10/07/2015…

Thậm chí, Cục trưởng Cục An toàn Lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng còn cho rằng: “Con số vừa nêu cũng mới chỉ phản ánh một phần số người bị thương, chết. Trên thực tế, con số đó còn cao gấp 3-4 lần”.

Ông Hà Tất Thắng cho biết, để khởi tố được một vụ tai nạn lao động là rất khó. Ảnh Viết Cường.
Ông Hà Tất Thắng cho biết, để khởi tố được một vụ tai nạn lao động là rất khó. Ảnh Viết Cường.

Lý giải nguyên dẫn đến tai nạn lao động, ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), cho rằng có 3 nguyên nhân chính sau:

Một là do chủ đầu tư, nhà thầu chưa chú ý công tác bảo đảm an toàn lao động

Hai là do nhà thầu trong thiết kế, chế tạo dàn giáo không đúng với chất lượng yêu cầu, lắp dựng dàn giáo chủ yếu theo kinh nghiệm, chứ không theo quy trình quy định

Ba là trong quá trình thi công, trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt là những trang thiết bị yêu cầu quy chuẩn an toàn lao động không được bảo dưỡng định kỳ.

Ông Hà Tất Thắng bổ sung thêm, nếu đi sâu phân tích nguyên nhân từ báo cáo các vụ tai nạn lao động cũng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn cho người lao động chiếm và tổ chức lao động và điều kiện lao động kém.

“Trong khi mỗi năm có khoảng 600 người chết vì tai nạn lao động nhưng số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị đề nghị khởi tố hàng năm rất ít, chỉ 3-4% và chỉ có 2% số vụ được đưa ra khởi tố. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động và 10% doanh nghiệp báo cáo về tai nạn lao động”, ông Hà Tất Thắng nói.

Ông Thắng nhấn mạnh, để khởi tố được một vụ tai nạn lao động rất phức tạp bởi điều này phụ thuộc vào cơ quan tố tụng.

“Chúng tôi đề nghị nhưng họ còn phải xem xét các yếu tố có cấu thành tội phạm hay không thì họ mới quyết định. Như trong năm 2013 – 2014, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị khởi tố từ 5 đến 6 vụ nhưng cuối cùng số vụ bị khởi tố rất ít. Tính chung cả nước mỗi năm có khoảng 12 vụ bị đề nghị khởi tố, tuy nhiên số vụ khởi tố được chỉ khoảng 5 đến 6 vụ", ông Thắng thống kê.

“Nói vậy để thấy rằng không phải chúng tôi muốn khởi tố là được, phụ thuộc chủ yếu vào cơ quan công an và viện kiểm sát”, ông Thắng lý giải.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm làm rõ các quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu tham gia xây dựng công trình phải có cán bộ chuyên trách quản lý về an toàn lao động; cấp chứng chỉ hành nghề an toàn lao động trong xây dựng; trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng của các chủ thể trong hoạt động đầu tư (từ Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công xây dựng đến nhà thầu giám sát thi công...); quan hệ các chủ thể trong công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng; lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động.

Luật An toàn lao động vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực kẻ từ ngày 1/7/2016 cũng quy định chi tiết hơn về các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Từ nay đến khi luật có hiệu lực, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn luật để ngay khi có hiệu lực luật có thể đi vào áp dụng ngay trong thực tế.

Theo Vietq.vn