1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sửa Luật Lao động: Tuổi nghỉ hưu, robot thay công nhân, đình công... được nêu ra sao?

(Dân trí) - “Từ năm 2021, tuổi hưu sẽ tăng theo lộ trình nào, xử lý tình trạng doanh nghiệp sa thải lao động lớn tuổi, tổ chức của người lao động tại cơ sở được cấp phép ra sao, cách mạnh 4.0 tác động tới quan hệ lao động ra sao khi máy móc sẽ thay cho người lao động...”.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định về các nội dung trọng Bộ luật Lao động sửa đổi. (Ảnh: H.M)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định về các nội dung trọng Bộ luật Lao động sửa đổi. (Ảnh: H.M)

Đây là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu ra tại buổi họp đầu tiên của Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 16/8, tại Hà Nội.

Tuổi hưu tăng theo tỉ lệ nào?

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối tượng chịu tác động của Bộ luật Lao động rất rộng, không chỉ ảnh hưởng tới người lao động trong các doanh nghiệp, nhiều chính sách của Bộ Luật lao động còn có ảnh hưởng tới người lao động tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội...

“Do đó cần phải nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng được điều chỉnh trong các vấn đề như: Tuổi nghỉ hưu, tranh chấp lao động, đình công, vai trò của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, tác động của cách mạng 4.0 trong quan hệ lao động...”

Bộ trưởng đơn cử về vấn đề tuổi nghỉ hưu: “Nghị quyết 28/NQ-TW đã nêu rõ lộ trình từ tăng tuổi hưu từ năm 2021. Nhưng việc tăng theo tỉ lệ nào, nam/nữ mỗi năm tăng bao nhiêu là phù hợp? Tổng thời gian tăng trong bao nhiêu năm là phù hợp? Bình đẳng giới trong tăng tuổi hưu...là những vấn đề sẽ được giải quyết trong Bộ Luật Lao động sửa đổi này”.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): “Vấn đề tranh chấp lao động ngày càng phức tạp và khó áp dụng các quy định về lộ trình hiện có. Người lao động buộc phải chọn đình công, ngừng việc tập thể khi xảy ra tranh chấp lao động. Do đó thời gian tới, nên xây dựng một cơ quan có tính chuyên trách để xử lý vấn đề tranh chấp lao động”.

Về hoạt động của tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở. Việc quy định các liên kết ngang “liên kết dọc, ngang” của tổ chức này sẽ ra sao? điều kiện hoạt động của tổ chức này? Đặc biệt, tổ chức trên chỉ tham gia trong xử lý mối quan hệ lao động?... Đây là điều được người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH trăn trở tại cuộc họp.

Liên quan tới thực trạng tuyển dụng lao động qua đào tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: “Nhiều doanh nghiệp FDI đang có xu hướng không tuyển lao động đã qua đào tạo. Bởi họ sẽ phải trả thêm 7% vào mức lương so với lao động chưa qua đào tạo. Thực tế này đòi hỏi chúng ta quy định rõ ngành nghề nào lĩnh vực nào cần bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”.

Quan hệ lao động sẽ thay đổi vì ...robot

Theo ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, khi nghiên cứu dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, bộ phận biên tập cần có một “tầm nhìn” dài hạn và gắn kết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

“Chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều của cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Trong đó, quan hệ lao động có thể sẽ phần nào thay đổi bởi người lao động sẽ bị thay thế bằng người máy, robot. Đây là vấn đề đã diễn ra ở nhiều nước phát triển và sẽ xảy ra trong thời gian tới đây tại Việt Nam” - ông Đặng Nguyên Anh nói.

Đặc biệt ở lĩnh vực dệt may, doanh nghiệp có thể áp dụng robot thay vì công nhân trọng sản xuất các công đoạn có tính chất lặp lại.

Khi đó, doanh nghiệp sẽ áp dụng thành quả của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và kinh doanh. Câu chuyện về quan hệ lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, tranh chấp lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Đặng Nguyên Anh phân tích: “Nhìn từ góc độ cách mạng 4.0, chúng ta sẽ thấy vấn đề tranh chấp lao động, tuổi nghỉ hưu có thêm nhiều yếu tố mới. Bởi, máy móc sẽ dần thay thế con người ở nhiều công đoạn. Do vậy nếu không tính tới yếu tố cách mạng 4.0, chúng ta sẽ bị tụt hậu trong vấn đề xây dựng pháp luật lao động”.

Bàn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp Luật (Văn Phòng Chính phủ) nhận xét: “Nếu chúng ta trao cho người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thì cần phải xây dựng thêm các các chính sách để tạo ra sự hài hòa giữa hai bên. Qua đó tạo sự đồng thuận. Nếu không chúng ta sẽ gặp rất nhiều ý kiến trái chiều”.

Trong khi đó, doanh nghiệp luôn cần một nguồn nhân lực để duy trì sản xuất, tạo ra sản phẩm cho xã hội.

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, ông Đinh Dũng Sỹ cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2021. Theo đó, tuổi hưu của nam giới sẽ tăng lên 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Tuy nhiên vấn đề thiết kế lộ trình đặt vấn đề cần quan tâm.

“Bên cạnh đó, việc phân tách tuổi hưu ở các nhóm ngành nghề cần được quan tâm. Không nên cứng nhắc giữ quy định nữ 60 tuổi và nam 62 tuổi mới được nghỉ hưu cho tất cả người lao động” - ông Đinh Dũng Sỹ nói.

Hoàng Mạnh