1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sóc Trăng: Nhóm nông dân sáng đi xây cầu từ thiện, chiều về làm ruộng

(Dân trí) - Mấy năm nay, người dân ở xã Tân Long (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) nói riêng và trong tỉnh Sóc Trăng nói chung rất phấn khởi khi có nhiều cây cầu mới được xây dựng bởi bàn tay của những lão nông chính hiệu ở xã Tân Long.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Nam- Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Mấy năm nay, người dân ở địa phương chúng tôi rất phấn khởi khi có nhiều cây cầu được xây dựng từ nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ và người chịu trách nhiệm xây dựng là các chú, các bác nông dân ỡ xã nhà.

Bằng sự nhiệt tình của mình, các chú, các bác vừa vận động nguồn kinh phí xây dựng cầu vừa tự tay mình thiết kế và thi công. Cũng nhờ vậy mà dù là xã vùng sâu vùng xa trước đây đi lại khó khăn mà nay đã đi lại dễ dàng bởi đã có những cây cầu nối liền đôi bờ”.

Theo ông Đặng Thanh Tuyền (cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Tân Long), nhóm xây cầu từ thiện ở xã Tân Long có 13 thành viên đều xuất thân từ nông dân, vừa tranh thủ làm ruộng vừa tranh thủ xây cầu. Tất cả 13 thành viên này làm việc trên tinh thần tình nguyện và làm… không công, không đòi hỏi bất cứ một sự ưu đãi nào.

Một trong những cây cầu do nhóm nông dân ở xã Tân Long xây dựng.
Một trong những cây cầu do nhóm nông dân ở xã Tân Long xây dựng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ (54 tuổi, người khởi xướng phong trào xây cầu thiện nguyện) cho biết: “Một lần, có một nhóm từ thiện, mạnh thường quân từ tỉnh An Giang xuống địa phương xây dựng cầu cho bà con. Chúng tôi nghĩ mình là người địa phương được hưởng lợi từ cây cầu này nên đã tự nguyện xin tham gia làm cầu. Một mặt là để được góp sức mình vào xây dựng cầu, mặt khác có dịp gặp gỡ các nhà hảo tâm để vận động xin kinh phí và quan trọng hơn là học hỏi kinh nghiệm xây dựng cầu. Người ta từ An Giang xuống xây cầu cho bà con mình, còn mình là người địa phương mà lại không làm được, từ đó, nhóm xây cầu của chúng tôi được ra đời và đi vào hoạt động từ năm 2015 cho đến nay”.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ, cây cầu đầu tiên của nhóm xây dựng là cầu bắc qua kênh Sáu Hằng ở ấp Long An (xã Tân Long) có chiều dài 28m, rộng 2m, với tổng kinh phí xây dựng trên 70 triệu đồng.

Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ đã xây mới được 12 cây cầu ở thị xã Ngã Năm, 35 cầu ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) và hiện nay đang chuẩn bị xây thêm 4 cây cầu nữa ở xã Tân Long. Bình quân mỗi cây cầu được xây dựng với kinh phí từ 70-75 triệu đồng, có một số cây cầu khác cũng chỉ trên 100 triệu đồng.

Người dân xã Tân Long vui mừng khi có cầu mới đi lại, được xây nên từ nhóm nông dân sáng xây cầu, chiều về làm ruộng ở địa phương.
Người dân xã Tân Long vui mừng khi có cầu mới đi lại, được xây nên từ nhóm nông dân sáng xây cầu, chiều về làm ruộng ở địa phương.

Lý giải vì sao kinh phí xây cầu không cao trong khi mỗi cây cầu ngang 2m, dài từ 35m trở lên, ông Sáu Nhỏ cho biết: “Tiền xây cầu là sự đóng góp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, còn công xây cầu chủ yếu là do anh em trong nhóm chúng tôi thực hiện với sự hỗ trợ của bà con nơi có cầu được xây dựng. Khi xây dựng cầu, chúng tôi làm đơn xin phép chính quyền địa phương, có bản vẽ thiết kế chi tiết phù hợp với địa hình từng địa phương nhằm có chiếc cầu qua lại mà vẫn đảm bảo, không cản trở giao thông. Như vậy, chúng tôi xây cầu chủ yếu là tiền mua vật tư nên không tốn kém nhiều”.

Ông Quách Hải - Bí thư Chi bộ ấp 18 (xã Tân Long) phân tích: “Mỗi cây cầu xây khoảng 22 ngày, mỗi ngày trả cho thợ 180.000 đồng/người, xây xong cầu đã hết khoảng 51 triệu đồng, chưa kể tiền cây, ván thiết kế, giám sát, tư vấn… như cầu của nhà nước. Theo tính toán, mỗi cây cầu như vậy, nếu xây từ ngân sách chắc chắn không dưới 300 triệu đồng, còn với những người xây cầu ở xã chỉ có tiền mua cát, đá, xi măng, sắt thép thôi”.

Nói về việc xây cầu, ông Sáu Nhỏ chia sẻ: “Nói thật lòng, chính quyền nhà nước phải lo nhiều việc ở nhiều nơi nữa, không thể một hai ngày lo hết được mọi chuyện, vì vậy cần sự chung tay của bà con, cộng đồng góp sức làm. Bây giờ cái nào làm được mình làm, còn cái nào làm không được, chừng đó nhà nước sẽ làm. Chỉ nghĩ như vậy nên chúng tôi tình nguyện đứng ra thành lập nhóm xây cầu với mong muốn chia sẻ với nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình và của người dân.

Nhóm ông Sáu Nhỏ đi khảo sát chuẩn bị xây cây cầu mới thay cầu cây này.
Nhóm ông Sáu Nhỏ đi khảo sát chuẩn bị xây cây cầu mới thay cầu cây này.

Mỗi khi cầu xây xong, chúng tôi mừng lắm, có đến cả chục ngày sau đó ngày nào anh em trong nhóm cũng rủ nhau đến ngắm cầu, được thấy bà con đi lại thuận tiện, các cháu học sinh chạy xe đi học dễ dàng, ai cũng vui, nhiều đêm về vui quá ngủ không được”.

Ông Khưu Văn Quận- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long, nhận xét: “Nhóm xây cầu thiện nguyện của ông Sáu Nhỏ đã giúp cho địa phương rất nhiều trong xây dựng nông thôn mới. Ở nhiều ấp trong xã, hạ tầng giao thông còn khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm, những cây cầu vững chắc do nhóm của ông Sáu Nhỏ bắc qua sông để người dân đi lại được thuận tiện có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người dân đối với quê hương”.

Ông Nguyễn Văn Út (thành viên nhóm xây cầu) chia sẻ: “Nhóm xây cầu chúng tôi là nông dân rặt, đều là anh em trong ấp, vì muốn góp chút công sức của mình cho quê hương nên anh em tình nguyện tham gia. Cũng có nhiều người tham gia nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một số người chia tay nhóm đi lên Bình Dương kiếm sống, còn 13 anh em chúng tôi trụ lại từ ngày đầu thành lập cho đến nay. Khi xây cầu, ban ngày chúng tôi xây cầu, còn chiều tối về lại ra đồng tranh thủ làm ruộng tiếp gia đình. Khi làm cầu thì chúng tôi làm hết mình với tinh thần nhanh, đảm bảo chất lượng để có những cây cầu phục vụ tốt cho bà con”.

Hôm chúng tôi đến địa phương, nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ đang khảo sát chuẩn bị xây dựng cầu Tắc Ông, cây cầu cuối cùng trên con đường nối từ trung tâm xã Tân Long vào các ấp 16, 17, 18 và 19.

Lý giải vì sao cây cầu cuối cùng trên con đường này chưa được xây dựng, trong khi lại đi xây ở các địa phương khác, ông Sáu Nhỏ cho biết: “Theo kế hoạch, đáng lẽ chúng tôi đã xây cầu Tắc Ông rồi nhưng lúc đó thấy bên ấp Long An chưa có cầu, người dân bên đó tha thiết mong được xây cầu nên tôi bàn với anh em và các nhà hảo tâm là chuyển cây cầu này sang xây cho bà con bên đó, còn cầu bên ấp mình thì xây sau và được mọi người nhất trí. Dự kiến cuối tháng 8 này chúng tôi sẽ khởi công xây cầu Tắc Ông”.

Theo ông Sáu Nhỏ, cầu Tắc Ông dự kiến kinh phí khoảng trên 80 triệu đồng bởi vào thời điểm này, giá vật tư xây dựng tăng hơn so với trước. “Tiền xây cầu đã có nhưng chỉ lo làm sao có khoảng trên 15 triệu đồng để lo cơm nước cho anh em.

Anh em đã bỏ việc nhà đi xây cầu mà phải về nhà ăn cơm thì cũng kẹt quá, dù không ai đòi hỏi cả nhưng là người phụ trách nên tôi thấy mình phải lo cho anh em có cơm ăn trong những ngày xây dựng cầu. Tiền này chúng tôi sẽ vận động chứ dứt khoát không đụng một đồng nào từ nguồn kinh phí xây cầu cả”, ông Sáu Nhỏ chia sẻ thêm.

Được biết, hiện nay nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ đã nhận được khoảng trên 20 lá đơn xin xây cầu của người dân ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Trước nhu cầu đó, ông Sáu Nhỏ tâm sự: “Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí để chúng tôi có điều kiện xây thêm những cây cầu phục vụ bà con”.

Ông Nguyễn Văn Khuyến (một người dân địa phương) cho biết: “Nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ tuy là nông dân nhưng xây cầu có kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng vì họ có tâm với người dân. Nhờ có các nhà hảo tâm và nhóm xây cầu thiện nguyện của ông Sáu Nhỏ mà người dân có cầu để đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn, còn nhà nước cũng bớt được nỗi lo kinh phí cây cầu ở nông thôn”.

Cao Xuân Lương